COVID-19 chưa bị đẩy lùi, hiện một số tỉnh đang có sự gia tăng về F0, F1... Điều đó cho thấy, tính cấp thiết phải có ngay Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới.
“Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội." (Ảnh: Minh hoạ)
Mục tiêu lớn của chiến lược là giảm tỉ lệ người mắc COVID-19, tăng tỉ lệ bao phủ vaccine, giảm tỉ lệ tử vong, bảo đảm phục hồi phát triển kinh tế-xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh. “Tầm nhìn” chiến lược có thể 2 năm 2021 – 2022, tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn vì diễn biến của dịch thay đổi rất nhanh.
Cũng như ngay từ đầu chống dịch, quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên hết; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chúng ta phải kiểm soát đại dịch COVID-19 một cách sớm nhất, trong quá trình chống dịch Việt Nam không chậm hơn so với thế giới, tranh thủ cơ hội, lợi thế để phát triển, vươn lên, thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước.
Qua nhiều giai đoạn chống COVID-19, chúng ta đã thu được nhiều bài học quý về sự đoàn kết, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tinh thần chủ động, khoa học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, làm cơ sở để hướng tới cá nhân hoá trong phòng, chống dịch. Toàn bộ hệ thống y tế phải được tăng cường, củng cố để sẵn sàng ứng phó với các đại dịch lây nhiễm trong tương lai.COVID-19 là một trong những cuộc “sát hạch” lớn không chỉ của nước ta mà cả thế giới về an ninh phi truyền thống.
Gần 2 năm (nhất là năm 2021) căng mình chống COVID-19 cho thấy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần tự lực, tự cường; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, tận dụng cơ hội, tăng cường hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra là bài học vô cùng quan trọng.
Năm 2022, Chính phủ đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%.
Để thực hiện được các chỉ tiêu này, về nhiệm vụ giải pháp, Chính phủ xác định đầu tiên là “Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022” (Báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội 15).
Rõ ràng, không kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì không thể phục hồi, phát triển. Điều đó cho thấy, Chiến lược tổng thể không thể chậm trễ hơn. Cuộc sống đang đòi hỏi thích ứng an toàn, linh hoạt.
Từ Tâm - Pháp luật Plus