Chiều 8/6, chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi về diễn biến không bình thường của giá vàng SJC, nhất là đầu năm 2022 khi chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, có lúc chênh lệch đến trên 20 triệu đồng/lượng.
Đặc biệt, chênh lệch quá khác biệt giữa vàng miếng SJC với giá vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hay giá vàng miếng SJC với giá vàng miếng các thương hiệu khác gây tâm lý hoang mang, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị đồng tiền Việt Nam, gia tăng lạm phát.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội)
Từ thực tế đó, nữ đại biểu đoàn Hà Nội cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi: "Ngân hàng Nhà nước tiến hành tranh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá khi giá vàng miếng biến động hay chưa? Liệu có trường hợp bắt tay, thao túng giá vàng miếng SJC trên thị trường hay không. Bao giờ Ngân hàng Nhà nước sử đổi Nghị định 24?".
Trả lời chất vấn của đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian vừa qua, diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp.
Bởi giá vàng chịu tác động của nhiều yếu tố như: Chỉ số đồng đô la Mỹ; Căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraina; Hay một loạt sự kiện về chính trị, thương mại khác… Cái khó lường là có thời điểm giá vàng tăng lên đến 2.000 USD/Ouce, cũng thời thời điểm giá vàng xuống mức 1.700 USD/Ouce.
Đối với thị trường trong nước, theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng có chung xu hướng với giá vàng thế giới. Thế nhưng, tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn giá vàng thế giới, còn tốc độ điều chỉnh giảm của giá vàng trong nước lại chậm hơn giá vàng thế giới.
Nguyên nhân bởi, giá vàng của các thương hiệu khác ngoài SJC, tức là vàng nguyên liệu, về cơ bản chênh lệch so với quốc tế khoảng 2 triệu đồng/lượng. Riêng giá vàng của SJC tăng ở mức lớn, vào khoảng 16-17 triệu đồng/lượng. Điều này có nguyên nhân như thực hiện chủ trương chống “vàng hoá” cho nền kinh tế.
Theo bà Hồng, từ năm 2012, thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng. Điều này dẫn đến nguồn cung vàng trong nước đã bị giảm. Trong khi một phần vàng đã được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn
Với biến động giá vàng thế giới như vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng niêm yết giá rất lo về các rủi ro xảy ra, đó là lý do họ sẽ niêm yết giá rất cao. Với SJC cũng vậy.
Thế nhưng, với SJC mua cao thì bán cao, các thương hiệu khác mua thấp thì bán thấp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết.
"Qua đánh giá, thời gian vừa qua, người dân không mua vàng miếng nhiều. Theo số liệu bán ròng, khi giá vàng lên cao, người dân chủ yếu mang đi bán để lấy tiền", bà Hồng khẳng định.
Tranh luận với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ thắc mắc phải chăng việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là nguyên nhân dẫn tới giá vàng miếng tăng cao.
Bởi, cùng là vàng miếng, cùng đúc như vậy, chỉ là không phải thương hiệu vàng SJC thì có giá thấp hơn không. Ví dụ như vàng miếng của Bảo Tín Minh Châu ngày hôm nay có giá 54,5 triệu/lượng. Xét về mặt giá thành và mặt bằng giá thế giới, liệu chênh lệch này quá lớn.
Câu hỏi này sẽ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải đáp trong phiên chất vấn đầu giờ sáng mai (9/6).
Hạnh Nguyên - TTTĐ