Đại biểu Quốc hội: Thúc đẩy sự mạnh dạn, tự ý thức của mỗi Bộ, ngành, địa phương, đơn vị
Kinhte&Xahoi
Khi cần xin ý kiến về các quy định trong trường hợp "nước sôi lửa bỏng" phòng, chống dịch, những lúc cơ chế bảo vệ cho sự đột phá nói như Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, thì nhiều cơ quan, đơn vị lại không ý thức được điều đó.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 9/11, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP HCM) cho rằng, trong báo cáo phòng, chống dịch năm 2021, giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chưa đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, tự ý thức được vai trò của mỗi Bộ, ngành địa phương, mỗi đơn vị; Nhất là đơn vị tham mưu thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn chứ không phải khó thì về địa phương, dễ đúng quy định thì Trung ương làm.
Với địa phương khi cần xin ý kiến về các quy định trong trường hợp "nước sôi lửa bỏng" phòng chống dịch, những lúc cơ chế bảo vệ cho sự đột phá như Thủ tướng Chính phủ nói “chống dịch như chống giặc” song không phải cơ quan đơn vị nào cũng ý thức được điều đó.
Để làm rõ nhận định trên, đại biểu Châu nêu ví dụ, vừa qua có lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ta ở Úc ủng hộ trẻ em khó khăn do đại dịch tại TP HCM. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Cục Thú Y và chỉ trong 2 ngày Cục Thú y đã trả lời đồng ý, chỉ có Cục ATTP đề nghị hỏi Chính phủ.
“Như vậy, nếu chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ cũng phải giao về Cục ATTP trả lời. Vậy tại sao Cục này không có luôn một văn bản nêu chính kiến của mình và tham mưu cho Chính phủ trả lời. Cách làm của Cục ATTP là đúng quy trình nhưng không đúng với tinh thần chống dịch như chống giặc. Nếu không có gì thay đổi, trong đánh giá cuối năm đơn vị này vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Còn lô hàng cứu trợ hơn 1 tháng chưa lấy ra được thì lỗi cho ai”, đại biểu Châu đặt câu hỏi.
Từ ví dụ trên, đại biểu Châu đề nghị Chính phủ điện tử, Chính phủ kiến tạo cần tạo ra cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy định trách nhiệm của từng Bộ ngành, từng cán bộ để tham mưu kịp thời cho Chính phủ những việc cần thiết, không cần phải nhờ vả quen biết mà việc vẫn “chạy” có lợi tốt nhất cho người dân. Do đó cần sự phân cấp mạnh, hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống tương tự.
Cũng theo đại biểu Châu, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; Hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thay thế Nghị định 64/2008. Nhiều nội dung tại nghị định này đã tháo gỡ cho cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động từ thiện xã hội, phát huy nguồn lực Nhân dân, chung tay cùng Chính phủ trong lúc thiên tai dịch bệnh.
Tuy vậy, hiện Nghị định này vẫn còn một số vấn đề vướng mắc nên đại biểu Châu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn để quy định sớm đi vào cuộc sống.
Ngoài các nội dung trên, đại biểu Châu cũng đề xuất Chính phủ cần kịp thời tuyên dương đúng công trạng, cảm ơn cá nhân, tổ chức có hành động dũng cảm cứu người như lực lượng y tế, lực lượng vũ trang, đặc biệt là các tổ chức cá nhân đã mua vắc xin và trang thiết bị y tế để cứu dân.
“Cần có sự đột phá hơn nữa không cần đúng quy trình nhưng đúng thành tích, đúng người; Mạnh dạn hơn nữa để kịp thời động viên, tri ân thể hiện sự trân trọng của Đảng, Chính phủ, Nhân dân, trao tặng những danh hiệu xứng đáng như Anh hùng lao động , Huân chương lao động hạng Nhất”, đại biểu Châu nhấn mạnh.
Kết thúc phần phát biểu, vị đại biểu mong Chính phủ sớm có giải pháp tạo sự công bằng cho đội ngũ cán bộ có động lực, điều kiện cống hiến mang đến thực chất hiệu quả phục vụ Nhân dân.
Hạnh Nguyên - TTTĐ