Đáp ứng các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo phát sinh trong quá trình hội nhập và phát triển Thủ đô

19/07/2022 13:14

Kinhte&Xahoi Sáng 19/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Phù hợp với văn hóa, tập quán nhưng phải đúng pháp luật

 Sau hơn 5 năm thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162 của Chính phủ đã góp phần đảm bảo an ninh chính trị, an ninh tôn giáo và an toàn xã hội. Tình hình tôn giáo ổn định, các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm và giải quyết đúng qui định, các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, lợi dụng tôn giáo để trục lợi, gây rối an ninh trật tự đều được ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi để các chức sắc, tín đồ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đưa sinh hoạt tôn giáo đi vào nề nếp, phù hợp với pháp luật; Đồng thời, động viên mọi chức sắc tín đồ sống “ Tốt đời, đẹp đạo”, “Phụng sự Tổ quốc và Dân tộc”, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố tạo sự đồng thuận và ổn định trong xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên trong qua trình triển khai thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là thực hiện Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã phát sinh những tình huống chưa phù phợp với thực tế dẫn đến nhiều vướng mắc, nảy sinh mâu thuẫn và tiềm ẩn nguy cơ gây mất đoàn kết. Điều đó, đòi hỏi cần có sự thay đổi để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Ngày 21/6/2022 Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo và hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định162/2017/NĐ-CP và Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; Đồng thời hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố triển khai lấy ý kiến góp ý vào dự thảo.

Cụ thể: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định162/2017/NĐ-CP có 6 chương, 33 điều, 61 biểu mẫu. Nghị định bổ sung 12 điều, sửa đổi 10 khoản, bãi bỏ 1 khoản. Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo có 4 chương, 51 điều.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, dự thảo thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là nội dung mới, khó và nhạy cảm, liên quan đến các vấn đề về tôn giáo phát sinh trong quá trình hội nhập và phát triển của Thủ đô.

Chính vì vậy, cần tập trung trí tuệ, phát huy kinh nghiệm thực tiễn đóng góp các nội dung thiết thực, sát với thực tế, phù hợp với văn hóa, tập quán nhưng cũng phải đúng pháp luật.

Trước mắt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị các đại biểu tập trung vào một số nội dung như: Sự cần thiết phải ban hành Nghị định thay thế Nghị định162/2017/NĐ-CP và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; Yêu cầu thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện; Việc bảo đảm phù hợp khi thực hiện các bộ luật khác; Dự thảo Nghị định quy định xử phạt có xử lý được những vấn đề tôn giáo phát sinh…

Quan tâm đến hiệu lực thi hành, tính nghiêm minh của Luật

Tham gia đóng góp ý kiến, PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện nghiên cứu tín ngưỡng tôn giáo nhấn mạnh tính tất yếu phải có một nghị định thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và cần quan tâm rằng các điều khoản để làm sao khi Nghị định đi vào thực tế sẽ được đồng tình cao.

PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện nghiên cứu tín ngưỡng tôn giáo phát biểu góp ý

Theo PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Luật Tín ngưỡng tôn giáo có nhiều bất cập nhưng không phải lúc nào cũng sửa được ngay, do đó hơn 4 năm qua, chúng ta đã tổng kết và đi đến kết luận Luật không sửa mà thay vào đó là Nghị định. Từ đó “gỡ” những điểm nghẽn, bất cập của Luật, những điểm chưa hợp lý của Luật khi đi vào đời sống tôn giáo, để cơ quan, Nhà nước tôn giáo thực thi.

“Việc sửa Luật này là điều hết sức hợp lý, Chính phủ và cơ quan Nhà nước, tôn giáo luôn luôn lắng nghe để có những sửa đổi, theo hướng mở rộng, tạo điều kiện hơn nữa cho các tổ chức tôn giáo trong sinh hoạt và hoạt động tôn giáo”, PGS.TS Đỗ Lan Hiền chia sẻ.

Góp ý cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, PGS. TS Đỗ Lan Hiền cho rằng, cần quan tâm đến hiệu lực thi hành, tính nghiêm minh của Luật; Hạn chế tối đa từ điều khoản này phải tham chiếu sang điều khoản khác, luật khác…

Còn theo mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), đối với đạo tin lành, việc xem xét chấp thuận hay từ chối việc sinh hoạt tôn giáo tập trung giao cho cơ quan cấp xã, phường là quá khả năng chuyên môn của đa số địa phương.

Do đó, mục sư Nguyễn Hữu Mạc đánh giá cao Dự thảo thay thế Nghị định 162 có khoản 2, điều 29 đã quy định rõ trách nhiệm của người nhận hồ sơ, yêu cầu công chức xác nhận hồ sơ cần cung cấp 1 phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người gửi đăng ký. Từ đó, hạn chế được bất cập việc nhiều điểm nhóm tin lành đã có đăng ký pháp nhân, hoạt động nhiều năm nay nhưng chưa được chấp thuận sinh hoạt tôn giáo…

Về Nghị định xử phạt phạt hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, mục sư Nguyễn Hữu Mạc cho rằng cần nghiên cứ thêm ý kiến từ các nhà khoa học cũng như các nhà tín ngưỡng tôn giáo, nếu thấy Nghị định chưa hợp lý thì cần thời gian điều chỉnh, ban hành…

Đại biểu góp ý vào các dự thảo Nghị định

Một số ý kiến đánh giá, dự thảo thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP có nhiều điểm đổi mới, như đã đề cập tới sinh hoạt tôn giáo trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điều này thể hiện sự sát sao trong nắm bắt tình hình thực tế. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã được cưỡng chế, nên hoạt động này cần xem xét lại theo hướng khuyến khích sinh hoạt trực tuyến.

Các ý kiến cũng lưu ý, một khi đã ban hành Nghị định xử phạt thì cần quan tâm đến hiệu lực thi hành, tính nghiêm minh của Luật và cần kiểm soát tốt nếu không sẽ làm “hư” cán bộ, làm xấu hình ảnh chính quyền.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Các ý kiến tại hội nghị thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ của các tổ chức tôn giáo đối với chính quyền các cấp trong việc triển khai chính sách pháp luật của Nhà nước; Đồng thời, hệ thống một cách logic khoa học các vấn đề liên quan đến lý luận và sự cần thiết của hai Nghị định.

Đồng chí khẳng định, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để báo cáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện giai đoạn 2022 - 2025

Tại Kỳ họp thứ 7, khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã thông qua một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố; Trong đó có chi hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện giai đoạn 2022-2025. Thời gian thực hiện từ ngày 1/8/2022 - 31/12/2025 với kinh phí dự kiến khoảng 181.966 triệu đồng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dap-ung-cac-van-de-tin-nguong-ton-giao-phat-sinh-trong-qua-trinh-hoi-nhap-va-phat-trien-thu-do-201357.html