Lễ cầu an trực tuyến Rằm tháng Giêng: Phù hợp và đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của người dân

15/02/2022 08:57

Kinhte&Xahoi "Lễ Tết quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng" quan niệm của người Việt từ xa xưa đã cho thấy vị trí quan trọng của ngày lễ này trong đời sống. Song, với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều người dân đã tổ chức, theo dõi các khóa lễ cầu an online để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Người dân ủng hộ tổ chức lễ cầu an theo hình thức trực tuyến

 Thời điểm này nhiều đền, chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước đã được phép mở cửa trở lại nhưng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tại nhiều nơi vẫn tổ chức lễ cầu an online. Hình thức này nhận được nhiều ý kiến đồng tình của người dân, vì vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.

Bà Vũ Thị Hiền (Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Những năm trước, mỗi dịp đầu năm mới, gia đình bà lại tổ chức các chuyến du Xuân đến các chùa tại các tỉnh, thành lân cận Hà Nội, vừa để lễ Phật vừa để vãn cảnh đầu năm. Từ ngày có dịch bệnh, gia đình bà Hiền hạn chế các chuyến đi chơi xa mà chỉ đi loanh quanh trong thành phố Hà Nội.

Người dân đảm bảo phòng, chống dịch khi đi lễ, thăm quan tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, cơ sở tín ngưỡng

“Dịp lễ Rằm tháng Giêng năm nay, gia đình tôi sẽ ở nhà và theo dõi các khóa lễ cầu an đầu năm mới được các chùa thực hiện theo hình thức trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội. Theo tôi, việc làm này không hề làm mất đi các giá trị văn hoá. Bởi “linh tại ngã, bất linh tại ngã”, tâm linh là vấn đề tự thân. Do vậy, sự thành tâm của mỗi người sẽ quyết định chứ không nằm ở việc đến chùa trực tiếp hay online. Ngoài ra, việc người dân tự tổ chức lễ cầu an tại nhà hoặc theo dõi lễ cầu an qua hình thức online còn góp phần đảm bảo an toàn phòng chống dịch”, bà Hiền tâm sự.

Cũng giống bà Vũ Thị Hiền, những ngày này bà Nguyễn Thị Hảo (65 tuổi, ở Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang rục rịch chuẩn bị các lễ vật cần thiết để chuẩn bị cho lễ cầu an sắp tới. Là một phật tử, bà thường xuyên đi lễ chùa và tham gia trực tiếp các khoá lễ cầu an đầu năm. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, khi hình thức làm lễ online được tổ chức, bà đã chọn ở nhà theo dõi thay vì đến chùa.

“Một phần vì đã có tuổi, sức khoẻ yếu, muốn đi đâu cũng phải có con cháu đưa đi nên hơi bất tiện. Phần vì dịch bệnh vẫn còn, tôi không muốn đến những nơi đông người để bảo vệ bản thân và gia đình. Hình thức cầu an online vừa tiết kiệm được thời gian mà lại an toàn”, bà Hảo cho hay.

Tương tự, chị Trần Thanh Tâm, ở Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình: Cầu an online vừa giúp nhiều người có cơ hội theo dõi, hướng tâm và làm lễ tại nhà vừa hạn chế được tập trung đông người. Đây là hình thức cần được nhân rộng và thực hiện trong thời gian sắp tới...

Nhiều ngôi chùa lớn tổ chức lễ cầu an qua hình thức trực tuyến

 Tại Hà Nội, dù hầu hết các đền chùa đều đã mở cửa trở lại, nhưng nhiều cơ sở thờ tự vẫn tiếp tục tổ chức lễ cầu an bằng hình thức online để đảm bảo phòng, chống dịch.

Tại chùa Phúc Khánh, tấm biển lớn đăng thông bạch của nhà chùa về việc tổ chức đại lễ cầu an năm Nhâm Dần 2022 được treo ngay mặt đường Tây Sơn. Theo đó, đại lễ được tổ chức theo hình thức trực tuyến qua 3 trang Facebook. Nhà chùa cũng nhận đăng ký cầu an qua hình thức trực tiếp tại chùa và qua email, tin nhắn Zalo, Facebook.

Tương tự, chùa Thần Quang (phố Ngũ Xã, Ba Đình, Hà Nội) cũng đang bận rộn chuẩn bị cho các khóa lễ cầu an tại chùa, bố trí nhiều thông báo khuyến cáo Phật tử, Nhân dân lễ chùa đảm bảo 5K.

Đại đức Thích Đạo Tâm - trụ trì chùa Thần Quang cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, nhiều nghi lễ đã giảm quy mô tổ chức hơn rất nhiều, trong đó có lễ cầu an đầu năm. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân cũng như thực hiện hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Thần Quang tổ chức lễ cầu an qua hình thức online và phát trực tiếp qua mạng xã hội để phật tử ở mọi nơi có thể theo dõi.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội 

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội cho biết, để thích ứng với tình hình dịch còn diễn biến phức tạp nhưng vẫn bảo đảm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trang nghiêm, các cơ sở thờ tự Phật giáo, cơ sở tín ngưỡng đã có nhiều hoạt động phù hợp tình hình thực tế mới và cấp độ dịch COVID-19 tại địa phương.

Cụ thể, các cơ sở tôn giáo đã tổ chức các khóa lễ cầu an trực tuyến, chỉ tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo với quy mô nhỏ, thời gian ngắn và hạn chế số người tham dự, thực hiện các biện pháp bảo đảm phòng dịch theo phân cấp mức độ dịch của địa phương, khuyến khích các tín đồ, Phật tử tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bằng hình thức trực tuyến, cầu nguyện trực tuyến tại gia đình... Đây là những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phù hợp với tình hình mới, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh.

Theo Trưởng ban Tôn giáo thành phố, thực hiện chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, ngày 16/1/2022, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội đã có Công văn số 42/BTG-NV1 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nhâm Dần, yêu cầu các tổ chức tôn giáo, các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn nghiêm túc thực hiện quy định, hướng dẫn của trung ương và thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn trên các trang mạng truyền thông, các website của tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng để thông tin, tuyên truyền cho các chức sắc, chức việc, tín đồ, nhân dân thực hiện có hiệu quả các quy định phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND thành phố và chính quyền địa phương, nâng cao trách nhiệm, ý thức của chức sắc, tín đồ tôn giáo, người đại diện cơ sở tín ngưỡng về phòng, chống dịch COVID-19.

“Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội tại các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thu hút đông đảo tín đồ, quần chúng nhân dân tham gia; Đánh giá việc tăng cường tổ chức các nghi lễ tôn giáo, thuyết giảng dưới hình thức trực tuyến qua công nghệ thông tin, truyền hình, mạng xã hội...”, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/le-cau-an-truc-tuyen-ram-thang-gieng-phu-hop-va-dam-bao-nhu-cau-tin-nguong-cua-nguoi-dan-189875.html