Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc. Ảnh Viết Thành.
Ưu tiên tối đa sử dụng các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, đề xuất, kiến nghị và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo kết luận: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là tuyến đường Vành đai liên vùng quan trọng kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô.
Chủ trương đầu tư của dự án đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16-6-2022. Thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự quyết tâm của các sở, ngành, đơn vị và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả nhất định và bám sát tiến độ đề ra, cụ thể: Đã phê duyệt và thu hồi đất được 364,66/798,043ha, đạt 45,69%; di chuyển 5.645/10.911 ngôi mộ, đạt 51,92% và dự kiến bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30-6-2023 để khởi công dự án tại 4 vị trí theo đúng kế hoạch.
Ban Chỉ đạo hoan nghênh các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đang rất cố gắng để có thể tổ chức khởi công toàn tuyến vào tháng 6-2023. Trên cơ sở báo cáo của Ban Chỉ đạo về mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, các bộ, ngành và các địa phương có liên quan đã thể hiện sự chia sẻ, ủng hộ, tán thành cao.
Để bảo đảm tiến độ triển khai dự án theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, UBND các tỉnh và các đơn vị có liên quan tập trung triển khai, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ sau:
Về mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án, theo báo cáo về khối lượng và công suất các mỏ đã khảo sát hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công dự án (31 mỏ đất đắp trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng khoảng 114 triệu mét khối so với nhu cầu dự kiến sử dụng khoảng 12 triệu mét khối; 32 mỏ cát trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng khoảng 56 triệu mét khối so với nhu cầu dự kiến sử dụng khoảng 10,5 triệu mét khối; khảo sát tổng cộng 39 mỏ đá trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng khoảng 280 triệu mét khối so với nhu cầu dự kiến sử dụng khoảng 7,5 triệu mét khối.
Giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải - TEDI và các tỉnh có liên quan rà soát, xây dựng phương án về các mỏ vật liệu xây dựng để đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án, trong đó phải thể hiện đầy đủ địa chỉ cụ thể từng mỏ, từng vị trí, công suất, khả năng khai thác, cung cấp sản lượng theo tiến độ dự án, bảo đảm nguyên tắc ưu tiên tối đa sử dụng các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và có giá thành rẻ nhất.
Cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành
Về việc áp dụng cơ chế đặc thù về mỏ vật liệu của dự án, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng địa bàn các tỉnh (ngoài Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) có các mỏ vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu, có cự ly vận chuyển hợp lý, thuận tiện giao thông và có thể cung cấp vật liệu xây dựng cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc cho phép nhà đầu tư được áp dụng cơ chế đặc thù theo nội dung Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội đối với dự án theo hình thức PPP - BOT (Dự án thành phần 3).
Về việc thực hiện phương án đắp K98 và đắp bao bằng đất và đắp K95 bằng cát: Giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan của thành phố làm việc với Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI rà soát, nghiên cứu kỹ giải pháp thiết kế bảo đảm tính kinh tế kỹ thuật, báo cáo các sở chuyên ngành thẩm định trình UBND thành phố xem xét, quyết định.
Hiện nay, tiến độ phê duyệt các dự án thành phần đang chậm so với kế hoạch đề ra, đề nghị các bộ quan tâm, giải quyết.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần 1.1, 1.2, 1.3, 2.2, 2.3 trước ngày 28-4-2023.
Bộ Xây dựng ban hành thông báo kết quả thẩm định dự án thành phần 2.2 trước ngày 28-4-2023 làm cơ sở để UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt bảo đảm tiến độ dự án.
Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông báo thẩm định đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 trước ngày 28-4-2023 để Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành kế hoạch thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước thành lập theo Quyết định số 134/QĐ-TTg ngày 20-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở để Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3; nghiên cứu, hướng dẫn các vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc liên quan đến Dự án thành phần 3 (Dự án PPP).
Ban Chỉ đạo các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan liên quan thuộc tỉnh tập trung thẩm định và phê duyệt Dự án thành phần 1.2, 2.2, 2.3 (nhất là dự án 1.2) theo nguyên tắc trên cơ sở khối lượng thực tế cụ thể để tính toán, hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên khẩn trương phê duyệt dự án thành phần 1.2, hoàn thành trong tháng 4-2023 theo nội dung Ban Chỉ đạo đã thống nhất tại Biên bản làm việc ngày 7-3-2023, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án bảo đảm mốc thời gian ngày 30-6-2023 theo kế hoạch và khu vực khởi công.
Quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, từng địa phương cần lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức để có sự vào cuộc đồng bộ ngay từ ban đầu của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, chấp hành, kiểm soát chặt chẽ, giám sát thường xuyên, liên tục tránh để xảy ra sai sót, đặc biệt quan tâm về việc xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, diện tích đất bồi thường, kiểm đếm tài sản trên đất, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định.
Thúy Nga - Hà Nội mới