Đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp 2/9 để kích cầu du lịch

09/06/2020 16:28

Kinhte&Xahoi Kéo dài kỳ nghỉ lễ 2/9 từ thứ 4 đến hết tuần là một trong những biện pháp được các doanh nghiệp du lịch đề xuất nhằm kích cầu du lịch nội địa thời điểm này.

Doanh nghiệp lữ hành muốn kéo dài nghỉ lễ 2/9 để kích cầu du lịch nội địa. (Ảnh minh họa: Internet).

Theo Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trong hai tháng đầu năm 2020, ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng, tính riêng tháng 1, khách du lịch quốc tế đạt con số kỷ lục trên 2 triệu lượt. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến du lịch quốc tế đóng băng. Thời điểm này, khi COVID-19 cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam, du lịch quốc tế vẫn chưa quay lại thì du lịch nội địa được tập trung đẩy mạnh.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu kéo dài các kỳ nghỉ lễ trong năm 2020, trước mắt là dịp nghỉ lễ 2/9 để khuyến khích người dân đi du lịch. Trong buổi làm việc ngày 3/6 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và khoảng 30 doanh nghiệp du lịch, ông Khánh đã thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo về những giải pháp cụ thể để phục hồi hậu COVID-19.

Ví dụ, ngày 2/9 tới, rơi vào thứ 4, các doanh nghiệp và địa phương cũng đề nghị đó là thời điểm hưởng ứng phong trào kích cầu du lịch nội địa bằng cách từ thứ 4 đến chủ nhật có thể xem xét cho một kỳ nghỉ dài nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh. Trên cơ sở đó xem xét từ nay đến cuối năm còn kỳ nghỉ lễ nào tương tự không.

Ông Khánh cho biết thêm: "Trong Hội nghị kích cầu du lịch nội địa và chuẩn bị các điều kiện để mở cửa lại du lịch quốc tế được tổ chức tại Sầm Sơn ngày 16/5 và tại Hà Nội ngày 21/5, các doanh nghiệp cũng đề xuất cần triển khai ngay một kế hoạch truyền thông "Việt Nam, điểm đến an toàn và thân thiện" cho cả thị trường du lịch nội địa và quốc tế".

Về thị trường du lịch, ông Khánh cho biết, 5 tháng đầu năm, toàn ngành du lịch chỉ đón 3,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chủ yếu rơi vào quý I. Tháng 4, 5 hầu như không có khách, giảm 50% so với cùng kỳ. Khách nội địa khoảng 16 triệu lượt, giảm hơn 60%. Tổng thu toàn ngành giảm 47,4%.

Từ nay đến cuối năm, ngành du lịch kỳ vọng số khách du lịch nội địa có thể đạt 60-65 triệu, đạt 2/3 so với kế hoạch đầu năm. 

Hiện nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan đã đề nghị Việt Nam sớm khôi phục đường bay nhưng do tình hình dịch còn phức tạp, Chính phủ vẫn đề nghị tiếp tục phát huy thị trường nội địa. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 3/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị các doanh nghiệp du lịch làm việc với đối tác nước ngoài từ bây giờ, chuẩn bị các sản phẩm du lịch trọn gói để sẵn sàng đón khách ngay khi mở cửa trở lại.

Ngày 12/6 tới, Tổng cục Du lịch sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an để bàn về những giải pháp cụ thể nhằm khôi phục thị trường du lịch quốc tế.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhiều đánh giá tích cực sau đợt khảo sát trực tuyến học sinh lớp 12 ở Hà Nội

Cuối tháng 5, hơn 74.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tham gia kiểm tra khảo sát chất lượng bằng hình thức trực tuyến. Đây là đợt khảo sát đầu tiên trong tổng số 3 đợt mà Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức trong năm 2020. Đợt khảo sát đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phụ huynh và học sinh.

Định vị cho nông sản Thủ đô

Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị trí, giá trị của nông sản trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Để định hình vị thế cho nông sản Thủ đô, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu phải trở thành chiến lược phát triển chung, từ đó nâng cao chuỗi giá trị và có thể đứng vững trên thị trường trong nước, quốc tế.

Theo VTC News/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/de-xuat-nghi-le-5-ngay-dip-2-9-de-kich-cau-du-lich-d126587.html