Phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 87 trường hợp. Khu vực phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao; khu vực phía Bắc cũng đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong.
Theo đó, toàn TP Hà Nội đã ghi nhận 8.481 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng khá cao (năm 2021 là 2.627 ca mắc, 0 ca tử vong). Hiện Hà Nội đã ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động. Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.
Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội đề nghị trung tâm y tế và phòng y tế tăng cường công tác giám sát công tác phòng chống dịch tại các phường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát dịch, giám sát ca bệnh, giám sát trọng điểm, giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ... tăng cường tập huấn công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cho người dân tại các nơi có ổ dịch đang hoạt động và cho tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ của các phường…
Sở Y tế tỉnh An Giang vừa thông tin, 9 tháng đầu năm, ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tăng 7 lần so với cùng kỳ, với 13.172 ca mắc sốt xuất huyết với 3.853 ổ bệnh. Trong đó, có 10 huyện, thị có số ca tăng cao so cùng kỳ. Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường công tác xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết, giám sát công tác xử lý ổ dịch, chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất dập dịch diện rộng chủ động. Chủ động giám sát các khu vực nguy cơ và thực hiện phun hóa chất diện rộng chủ động tại khu vực nguy cơ. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện giám sát ca bệnh truyền nhiễm, truy xuất ca bệnh sang phần mềm sốt xuất huyết.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 12.000 ca sốt xuất huyết tại 18 huyện, thị xã, thành phố, tăng 22 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong 4 ngày qua đã ghi nhận gần 200 ca mắc sốt xuất huyết nặng được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Trong tuần, Quảng Nam ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình, hiện số ca mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh đã hơn 5.700 ca và ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên là bệnh nhi 5 tuổi (ngụ huyện Quảng Ninh) mắc sốt xuất huyết Dengue.
Dự báo trong thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hằng năm từ nay đến tháng 11. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch khi thời tiết ở các tỉnh phía Bắc chuyển mùa, các bệnh dịch khác (COVID-19, Adenovirus, cúm, thủy đậu...) cũng có nguy cơ bùng phát.
Các bác sĩ khuyến cáo, người mắc sốt xuất huyết mức độ nhẹ có thể được theo dõi điều trị ngoại trú tại nhà, nhưng cần hết sức chú ý theo dõi, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết, gồm: Vật vã, lừ đừ; đau bụng nhiều; nôn ói nhiều; chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tiểu ra máu, nước tiểu ít; xét nghiệm máu thấy thể tích hồng cầu tăng nhưng tiểu cầu giảm nhanh… Khi có một trong các dấu hiệu này, cần nhập viện để theo dõi điều trị nội trú.
Diệu Thảo - Pháp luật Plus