Đồ ăn chay đắt khách ngày Rằm tháng Giêng

26/02/2021 11:54

Kinhte&Xahoi Với tâm niệm ăn chay để thanh tịnh cơ thể, cầu phúc lộc trong năm mới nên vào ngày Rằm tháng Giêng 2021, người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng đồ ăn chay. Vì vậy, những ngày này mặt hàng thực phẩm chay phục vụ nhu cầu cúng lễ bắt đầu sôi động, sức tiêu thụ tăng mạnh nhất là sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất.

 Mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa

Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại hệ thống siêu thị như: Hapro, Fuji Mart, Co.op Mart, Vinmart, Big C... cho thấy, hầu hết các cơ sở đều tung ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chay do DN Việt Nam như Âu Lạc, Cầu Tre, Vissan sản xuất với giá khá rẻ. Cụ thể, nem chay dao động từ 58.000 - 74.000 đồng/kg; há cảo chay 62.000 - 66.000 đồng/kg, gà chay 70.000 - 100.000 đồng/con; giò nạc, giò bò, giò nấm 60.000 - 100.000 đồng/kg; cá, tôm chay từ 100.000 - 300.000 đồng/kg… Đại diện siêu thị Co.op Mart cho biết: Những ngày gần đây sức tiêu thụ thực phẩm chay tăng từ 20-25% so với ngày thường, nguyên nhân là bởi người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng thuần chay organic (hữu cơ) qua đó giảm bớt lượng đường, mỡ trong máu. Nhằm hỗ trợ DN sản xuất quảng bá sản phẩm, qua đó chiếm lĩnh thị trường, tiêu thụ sản phẩm, các DN bán lẻ, siêu thị Co.op Mart, Big C, Hapro… đang đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá từ 5-20% thực phẩm chay.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, dịch vụ nấu cỗ chay trọn gói cũng được các nhà hàng chuyên kinh doanh như: Vô Ưu chay, Bồ Đề Tâm, Vị Lai, Thiên Phúc… giới thiệu. Đại diện nhà hàng Bồ Đề Tâm chia sẻ: Với mức giá từ 500.000 - 700.000 đồng, người tiêu dùng có thể đặt một mâm cỗ chay gồm 5 - 7 món như: Gà chay hấp, nem, giò lụa, đậu chiên xù, nấm kho, nộm, rau xào, xôi vò hạt sen, canh… Mâm cỗ chay 10-12 món có giá từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng. Với những mâm cỗ chay bao gồm những món cao cấp như: Tôm chay nướng, bò chay xào lúc lắc, sườn chay chua ngọt, cá thu chay sốt, nộm cung đình… có mức giá dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/mâm.

Trong khi sản phẩm chay đang được tiêu thụ mạnh thì mặt hàng vàng mã lại rơi vào tình trạng ế ẩm. Tiểu thương trên phố Hàng Mã phản ánh, so với cùng kỳ năm trước, thị trường vàng mã năm nay sụt giảm 50 - 60% về lượng khách cũng như lượng hàng bán ra. Năm nay, xu hướng tiêu dùng của mặt hàng này chỉ là những món đồ nhỏ có giá dao động từ 15.000 - 40.000 đồng, còn những đồ to đắt tiền như nhà, xe, ngựa… không nhiều người hỏi mua. Sức mua giảm mạnh, nhưng giá mặt hàng này vẫn không có gì biến động so với năm ngoái. Theo nhiều tiểu thương, nguyên nhân khiến sức mua vàng mã giảm là do dịch Covid-19 bùng phát nên người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu. Đặc biệt, các cơ sở di tích, đình chùa, tôn giáo trên địa bàn TP Hà Nội đang ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên sức tiêu thụ mặt hàng vàng mã giảm.

 Thu Hương - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội đạt bước tiến vượt bậc về quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và sông Hồng

Chiều 25-2, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Dự kiến, 6 quy hoạch này sẽ được trình Ban Thường vụ Thành ủy trong tuần sau để UBND thành phố chính thức phê duyệt, ban hành trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong quý I-2021.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/do-an-chay-dat-khach-ngay-ram-thang-gieng-411221.html