Từ mấy tuần trước, chị Hải Miên (ở quận Hà Đông, Hà Nội) đã tìm đến các lớp học gọt củ thủy tiên để chuẩn bị cho gia đình một niềm vui và bất ngờ nho nhỏ. Đến lớp học, chị Hải Miên mặc áo dài trắng muốt, chăm chú lắng nghe cách cắt gọt sao cho đúng kĩ thuật và để được ra thành phẩm hình dáng mang nhiều ý nghĩa riêng.
Chị được biết, nếu cắt tỉa khéo, bình thủy tiên vừa đẹp vừa nở đúng đêm giao thừa. Năm nay, cả nhà không đi đâu xa, không về quê, ngồi bên nhau xem TV, cắn hạt dưa, lắng nghe thời khắc chuyển giao của năm mới sang năm cũ.
Bình thủy tiên nở trong nhà đúng đêm giao thừa mang đến nhiều niềm vui và hy vọng
Trong phút giây thiêng liêng, lắng đọng, gửi gắm biết bao tâm nguyện về một năm mới với nhiều đổi thay, an yên trở lại như thế, còn gì tuyệt vời hơn là khi thời khắc điểm, cánh hoa thủy tiên trắng muốt cũng bung nở. Hoa nở đúng giao thừa không chỉ mang lại niềm vui mà bõ công ao ước, đợi chờ, mang đến niềm bất ngờ cũng như chan chứa hy vọng.
Chắc chắn, ai ai cũng ước rằng năm mới đến dịch bệnh sớm qua đi, nhịp sống bình thường trở lại. Để công việc, học hành, kinh tế, sức khỏe của mọi người đều khởi sắc. Những bông hoa thủy tiên trắng tinh khôi với nhụy hoa màu vàng tươi thực sự là một món quà quý giá. Đây cũng là truyền thống thanh tao, nhã nhặn của người Hà Nội.
Chị Thanh Mai (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngại đến các lớp học nên đã tự mày mò học trên YouTube. Chị cho biết: “Bây giờ mạng xã hội thuận tiện thật, cái gì cũng có. Mà mình tìm hiểu thì thấy gọt củ hoa thủy tiên không còn chỉ là thú vui của người già như xưa nữa. Rất nhiều bạn trẻ học được của các nghệ nhân, làm thành công rồi, quay clip tỉ mỉ chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người học theo”.
Chị Mai kể rằng năm ngoái mình đã học theo nhưng hoa nở không đúng giờ, không được đẹp như mong đợi. Không nản lòng, năm nay chị lên mạng tìm tiếp các bí quyết và phát hiện ra mình thiếu sót ở đâu để khắc phục. Chính vì thế, chị rất háo hức, mong chờ đến thời khắc giao thừa năm nay để xem hoa có nở đúng, nở đẹp hay không.
Chị Hoàng (ở quận Long Biên, Hà Nội) thì cho rằng năm nay không thể vui được như đúng cái Tết cổ truyền mọi năm. Đúng như phong tục xưa là phải gặp nhau, chúc tụng, thậm chí còn phải đến ăn cỗ đầu năm, tưng bừng phấn khởi. Tuy năm nay dịch bệnh, hạn chế các hoạt động đông đúc nhưng khi “rút về” đón xuân trong phạm vi mỗi gia đình ruột thịt thì không khí cũng không thể kém phần hoan hỉ.
“Vui hay không là do mình”, chị Hoàng tâm niệm. Gần Tết cũng là thời điểm các con vừa thi học kì 1 xong. Đây là lúc chị cho phép các con lơi lỏng hơn một chút sau cả học kì ngồi trước màn hình máy tính. Để cho các con có việc để làm, khỏi buồn chán vì lâu không được đến lớp, không được giao lưu bên ngoài, chiều chiều, chị Hoàng chở các con đi vòng quanh ngắm phố phường.
Nhiều người tự mua đồ về trang trí nhà cửa cho tưng bừng không khí Tết
Thời điểm này các cửa hàng bán đồ trang trí Tết đã bày rất nhiều món đồ. Nào là câu đối, nào là dây treo hình pháo, quạt, chữ… màu sắc bắt mắt, kiểu dáng rất phong phú. Chưa kể còn có các loại mành treo, giấy điều, tranh treo tường, rất không khí Tết và đẹp mắt.
Chị Hoàng lên mạng internet tham khảo các phong cách, kiểu dáng décor nhà cửa rồi thảo luận cùng các con chọn mẫu nào. Sau đó chị cùng con mua đồ về, mấy mẹ con mang ra cùng treo, dán, hò hét tưng bừng cả nhà. Mất cả buổi mệt nhoài nhưng nhìn thành quả của mình, cả nhà chị đều hoan hỉ trong lòng bởi cảm nhận không khí xuân vẫn tràn ngập khắp xung quanh chúng ta.
Chị Mai Thương (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại có cách chuẩn bị đón xuân của riêng mình. Đó là hàng ngày những lúc rỗi việc chị lên mạng tìm các mẫu áo dài gia đình. Mỗi hôm lại thấy các cửa hàng đăng tải lên những mẫu mới. Đa dạng, phong phú, đủ từ truyền thống đến cách tân, từ hiện đại đến truyền thống. Màu sắc của những bộ áo dài cũng toàn là những gam sáng, mang đến sự trẻ trung, tươi vui cho năm mới.
“Cứ mỗi lúc thấy một mẫu áo dài mới mình lại thấy mùa xuân về gần mình thêm một chút”, chị Mai Thương tâm sự. Tìm được mẫu áo dài ưng ý rồi, chị sẽ tiến hành đo chiều cao, cân nặng của cả nhà để báo bên cửa hàng, đặt mua. Chị cho biết năm nay nhà mình hạn chế không đi chúc Tết họ hàng, chỉ đến nhà ông bà nội ngoại thôi nhưng chị vẫn chuẩn bị quần áo dài cho trang trọng.
“Mình được trải qua những ngày Tết đầm ấm yên vui rồi, nên mình cũng cố tạo dựng cho con những cái Tết như vậy, dù dịch bệnh thì cũng không để các con bị ảnh hưởng quá nhiều”, chị Mai Thương chia sẻ.
Trong các ngôi nhà, không khí xuân đã về gần lắm
Còn với Phương (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) thích nhất là được chuẩn bị đón Tết bằng những việc làm đơn giản nhưng ý nghĩa. Phương và các bạn bè của mình vẫn học online do dịch bệnh. Thời gian này, cậu sinh viên năm thứ ba trường Học viện Ngân hàng nhận ra rất nhiều điều ý nghĩa bên gia đình. Trước kia, Tết đến, “lấy cớ” bận đi học, cậu hay trốn khi mẹ nhờ dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ để chuẩn bị đón năm mới. Còn năm nay, Phương chủ động quét dọn bàn thờ, dọn chân nhang, lau rửa đồ thờ từ đầu tháng Chạp.
Hàng ngày, có thời gian rảnh Phương theo mẹ đi chợ, ngắm nghía những chậu quất cảnh người ta bắt đầu mang bán. Phương tâm sự rằng mình thấy như sống lại tuổi thơ, lúc ấy hay lẵng nhẵng đi theo mẹ ra chợ đòi ăn quà. Giờ không đòi quà nữa, Phương bàn luận sôi nổi với mẹ về việc chọn cây quất nào, có mua cành đào nữa không hay tiết kiệm vì năm nay kinh tế khó khăn. Phương cảm nhận được mẹ cậu rất xúc động vì con trai đã biết lo lắng cho gia đình.
Trong các ngôi nhà, không khí xuân đã về gần lắm
Tết đến mỗi lúc mỗi gần. Trong dòng chảy của thời gian, của dòng người vội vã, mỗi người đều có những cách để đón xuân của riêng mình. Dù là cách nào cũng mong tất cả người Hà Nội đều chú ý giữ an toàn cho mình, cho những người xung quanh để mùa xuân đến thật trọn vẹn.
Hương Thu - TTTĐ