'Gái giang hồ' khiến 'ông trùm' đất mỏ từ bỏ 'mộng bá vương'

22/08/2019 14:34

Kinhte&Xahoi Qua hai lần bước qua song sắt, chàng thiếu gia tỉnh giấc mộng giang hồ, lúc này cuộc sống đã hết cơ hội cho nó lựa chọn, thực tế dạy cho nó hai từ chấp nhận. Hết tiền, hết bạn, hết anh em, bên thiếu gia hết thời lúc này chỉ còn duy nhất con bé đang lênh đênh giữa biển đời, người duy nhất dám chấp nhận hy sinh vì nó...

Tuổi thơ đắm mình trong vật chất

Đẹp trai, công tử, con nhà giàu, chịu chơi đó là những từ mà đám dân chơi đất mỏ Quảng Ninh nhận xét khi nói tới N.T Tuấn (tức Tuấn “thiếu gia”, sinh năm 1986). Trong các cuộc chơi cùng đám dân chơi, Tuấn “thiếu gia” luôn là linh hồn của cả buổi tiệc với phong cách chịu chi. Tuấn từng là hiện tượng mới nổi trong giới dân chơi, cũng nhờ vào sự ưu ái đặc biệt mà số phận đã từng dành cho nó.

Được sinh ra trong một gia đình phải nói là thượng lưu trong giới thượng lưu tại mảnh đất chỉ cần xúc lên là có tiền, Tuấn là anh cả. Bố làm giám đốc một công ty thương mại lớn, mẹ làm giáo viên, thêm ông chú là một tay trùm có “số má” trong giới than thổ phỉ. Bởi thế Tuấn sinh ra đã được hưởng sự giàu sang, bề thế. Ngay từ lúc còn nhỏ, nhiều dân xã hội đã phải nhìn nó với ánh mắt thèm muốn. 

Nhiều người nhận xét, sau này Tuấn sẽ trở thành “ông trùm” làng than khi kế vị cha chú. Bởi từ nhỏ sống trong sự bao bọc bởi nhung lụa, Tuấn được hưởng tất cả sự ưu ái về vật chất mà số phận có thể ban cho. Nhưng ít ai biết được rằng, dù “nhà mặt phố, bố làm quan” nhưng ngoài vật chất ê chề, Tuấn lại thiếu vắng sự gần gũi của một mái ấm đích thực. 

Ngày cậu em chưa chào đời, cuộc sống của Tuấn gắn liền với người giúp việc, muốn gì có nấy, học trường tốt nhất, có ô tô riêng, vệ sĩ riêng đưa đón, bởi vậy mọi người đặt cho Tuấn cái biệt danh “thiếu gia”. Sự dư thừa vật chất đã định hình cho Tuấn một cách sống phóng khoáng, thoáng tay vung tiền.

Mọi khoản đóng góp cho nhà trường đều đứng đầu, những lần ủng hộ đồng bào lũ lụt Tuấn đóng góp số tiền bằng cả năm lương thưởng của thầy cô. Những buổi ngoại khóa hay sinh nhật bạn bè tại trường, Tuấn đều đóng góp nhiều gấp bội so với chúng bạn. Ngày đó, trong con người Tuấn luôn cảm thấy thiếu một thứ tình cảm mà lúc đó chưa thể định hình trong đầu, bởi thế khi có dịp là Tuấn tham gia tụ tập với bạn bè, thích vui nhộn. 

Căn biệt thự năm tầng có thang máy riêng, kèm sân vườn, bên trong chứa đầy đủ tiện nghi nhưng hàng ngày chỉ có Tuấn loanh quanh trong đó. Bố bận công việc, mẹ sau giờ làm việc nhà nước lại cùng bố làm ăn.

Thời gian Tuấn được ở bên bố mẹ khá tằn tiện. Dù trong nhà có tới 5 người giúp việc, lái xe kiêm bảo vệ cậu nhưng điều Tuấn muốn nhất là những đứa bạn bằng tuổi cùng chơi mà không có. Cô giúp việc chuyên kèm Tuấn học, đọc truyện hàng đêm ru giấc ngủ cho nó mặc dù mẹ cũng là giáo viên. 

Có những lúc nó thèm một vòng tay mẹ ôm áp ru ngủ mà chẳng được, bởi bố mẹ bận sinh lời cho khối tài sản của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ, Tuấn thích ở trường hơn ở nhà. Ở trường luôn có bạn bè tôn sùng, nói những lời dễ nghe, nhộn nhịp chứ không bị gò bó, cô đơn như ở nhà. Cuộc sống tuổi thơ của chàng “thiếu gia” thừa sự đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu thốn khoảnh khắc có cha mẹ ở bên. 

Cứ vậy, Tuấn lớn lên vô lo, vô nghĩ nhưng trống vắng. Xã hội, môi trường chứa đầy đủ màu sắc của cuộc sống nhưng ở đó luôn tiềm ẩn những mưu toan, thói hư tật xấu rình rập. Rồi khi bố mẹ bận mải mê với đồng tiền, Tuấn cũng đú đởn để bắt đầu chập chững bước chân ra đời.

Nói tới Quảng Ninh, thường ai cũng nghĩ ngay rằng đây là mảnh đất màu mỡ từ tài nguyên khoáng sản vàng đen cho tới du lịch. Thủ phủ tập trung trữ lượng vàng đen lớn nhất là khu vực thị xã Cẩm Phả (giờ lên thành phố).

Hình minh họa

Nhà Tuấn nằm trong thửa đất trung tâm đắc địa nơi đây. Cái lẽ đương nhiên của sự màu mỡ, ở đây tập trung đủ loại thành phần con người trong xã hội kéo về mưu sinh với đủ loại ngành nghề lao động chân chính cũng có, bất lương cũng nhiều. 

Đại diện cho sự bất lương nơi đây là phải nói đến đám giang hồ làm than thổ phỉ luôn tụ tập thành từng nhóm, lớn hơn tạo thành băng đảng tranh cướp than bán lại cho các đầu nậu là những ông trùm giang hồ máu mặt để kiếm tiền. Đã xác định bước chân vào giới than thổ phỉ thì phải học chữ chấp nhận đầu tiên.

Bởi làm than thổ phỉ là phải tranh cướp, chém giết, cướp bóc lẫn nhau để ra tiền. Bất chấp luật pháp, ra tù vào tội như cơm bữa là điều hiển nhiên. Đồng tiền kiếm được dễ dàng từ môi trường tranh cướp, cá lớn nuốt cá bé nên cuộc sống của đám dân thổ phỉ nơi đây thường gắn liền với những tệ nạn của xã hội, cờ bạc, ma túy, mại dâm đủ cả.

Dùng giang hồ dùng luật rừng để nói chuyện với nhau, để kiếm tiền nên cuộc sống hôm nay bất biết ngày mai. Bởi vậy, đám thổ phỉ đua nhau sống gấp, sống cho quên đời.

Hàng ngày, tại mảnh đất này luôn nảy sinh những cuộc tranh chấp địa bàn, đâm chém lẫn nhau từ các băng nhóm làm than thổ phỉ. Tiền dễ kiếm nên tiêu cũng nhanh, do vậy các ngành nghề dịch vụ phi pháp ở đây cũng nở rộ không kém. Đêm bước chân ra đường, dựa vào bóng tối để thực hiện những công việc đào bới, cướp bóc, trộm cắp, tranh giành, tất cả chúng đều sống trong bóng tối, dựa vào ban đêm.

Tính cách nổi loạn

Khu vực quanh nhà Tuấn tập trung tụ điểm ăn chơi bậc nhất của đám giang hồ đất mỏ. Những phòng hát tay vịn, café trá hình cho tới quán bar, nhà hàng, khách sạn mọc  san sát, chen nhau trên con phố trung tâm.

Tuấn bước chân tới đâu ai ai cũng biết và cậu luôn nhận được sự chào đón niềm nở, chăm sóc đặc biệt. Ngay từ bé với sự nuông chiều bằng tiền bạc của bố mẹ, lại thiếu đi sự sát sao dạy dỗ, chỉ bảo Tuấn vô tình định hình một tính cách ngang tàng, ngỗ ngược.

Nó thích là lấy, muốn là được và tất cả những người xung quanh luôn phải quan tâm, cung phụng mình. Nên với đám bạn bè cùng chang lứa, cũng như đám thanh niên cùng khu phố, Tuấn chẳng coi ai ra gì. 

Bản tính thích thể hiện, thích hơn người nên đám bạn bè vây quanh Tuấn luôn nhận được sự bao bọc từ tiền của thiếu gia. Nhưng nếu làm trái ý nó, Tuấn sẵn sàng sai đám ăn theo giải quyết bằng cách động chân, động tay làm đối phương chịu khuất phục. Nhờ có tiền, nhờ cái mác của bố mẹ, của ông chú “trùm” có “số má” nên dù mới chỉ là một cậu bé mới lớn, Tuấn tới đâu cũng luôn nhận được một sự tôn trọng nhất định của đám giang hồ nơi đây.

Nhóm thanh niên cùng phường dù hơn tuổi những vẫn tôn Tuấn làm đàn anh, “đại ca”. Qua những ngày trốn học theo đám thanh niên cùng phố tụ tập an chơi, Tuấn càng thấy sự hứng thú từ hai chữ “thiếu gia” mang lại, cảm giác được cung phụng tôn trọng.

Trong giới dân chơi đất mỏ thời ấy, muốn thể hiện chất chơi thì ngoài quần áo, giầy rợ sành điệu, thời thượng thì tối tối phải lên bar, uống rượu Tây, dùng thuốc lắc và vung tiền bo như rác để đám gái luôn bâu quanh là cách thể hiện đẳng cấp. 

Tuấn vốn là thiếu gia, bởi thế phong cách cũng phải xứng tầm để đám dân chơi khác nhìn vào mà tôn trọng. Những đêm lên bar, sàn  nhảy Tuấn “thiếu gia” luôn chọn vị trí đẹp nhất, cùng cả nhóm đàn em ngồi dàn trải nhiều bàn phô trương. Cả nhóm dù chẳng biết thưởng thức rượu Tây nhưng cứ loại nào đắt tiền nhất là gọi tràn lan ra ngồi ăn hoa quả nghe nhạc, uống không hết bỏ, hôm sau lại chai mới. 

Mọi cuộc chơi, Tuấn là người bao hết, chẳng tiếc cầm cả “quyển tiền” mệnh giá cao nhất rút ra cho đám phục vụ. Cách Tuấn chơi, cách Tuấn tiêu tiền trong sàn thu hút đám gái gọi gái bao, gái nhảy tại đó. Tiếng tăm lan truyền, để rồi mỗi khi Tuấn “thiếu gia” xuất hiện cùng đám đàn em, cả đám gái trong bar đổ xô lại chào đón nó với nụ cười ong bướm lả lơi chờ nhận tiền bo, tip.

Tìm thấy niềm vui trong tiếng nhạc, rượu tây, gái đẹp, chất kích thích nơi vũ trường, bên cạnh luôn có đám đàn em "cô hồn" nịnh nọt, Tuấn cảm giác như bá vương để rồi lao nhanh vào vòng xoáy cuộc chơi.

Trên mảnh đất luôn dùng luật giang hồ để nói chuyện này chẳng thiếu những kẻ “coi trời bằng vung”. Bởi thế hành động chơi trội của Tuấn trong quán bar như một lời thách thức ngầm với những băng nhóm khác. Nơi đây hàng đêm tụ tập các ông trùm có số má ăn chơi, bàn việc làm ăn. Cách vung tiền của Tuấn cũng phá đi cái lệ cũ làm họ nóng mắt.

Để rồi từ đây bắt đầu xảy ra những cuộc mâu thuẫn, va chạm. Trong các cuộc chơi của Tuấn luôn có hàng chục đàn em ăn theo chỉ cần những hành động nhỏ từ bàn xung quanh như mở chai rơi nắp hay lên nhảy vô tình chạm vào, Tuấn không vui lập tức đám đàn em nhảy vào đánh đấm ngay. 

Và từ đó những quán bar, vũ trường trong khu vực liên tiếp xảy ra va chạm, xô xát, đâm chém của nhóm Tuấn để “lấy số” cho đàn anh, để chứng tỏ máu anh hùng. Những vụ gây rối dẫn tới thương tích cho cả hai bên, Tuấn đều dùng tiền và thế lực từ gia đình tác động giải quyết.

Nhưng dù có thế nào, đã là giang hồ khi xảy ra va chạm mà trên mình lại mang thương tích “lãnh sẹo” thì luôn để lại trong lòng sự ấm ức. Và qua mỗi lần va chạm, đám giang hồ bị hại đều bị băng nhóm khác coi thường vì bị “bóc số, bóc tem”. Nên việc lập mưu trả thù để còn có thế tồn tại trên mảnh đất này là điều tất nhiên. 

Thời gian này, nhóm giang hồ non tập tọe do Tuấn “thiếu gia” cầm đầu chẳng kiêng nể ai, liên tiếp “bóc số” nhiều tay anh chị, giang hồ trong khu vực. Bởi vậy vị trí của Tuấn tăng lên vùn vụt trong giới làm than thổ phỉ. Qua bao lần tóm vào phường rồi lại được thả ra từ các vụ việc của Tuấn và đàn em làm cho những băng nhóm khác nhìn vào có chút e dè, kiêng nể. 

Chỉ vừa tròn 16 nhưng bố mẹ đã liên tục dùng tiền dùng quyền để bảo lãnh cho cậu con quý tử, cũng mắng chửi, khuyên nhủ dùng đủ mọi cách nhưng chẳng thấm vào đâu. Đành giao Tuấn cho ông chú dạy dỗ. Lúc này dù chưa đến tuổi lấy bằng lái xe ô tô nhưng bố mẹ vẫn mua riêng cho Tuấn một chiếc xe hạng sang để phục vụ sở thích và tiện việc làm ăn của con.

Từ lúc theo ông chú đi làm ăn cũng là lúc Tuấn bắt đầu đặt chân vào thế giới ngầm. Được chú cho tiếp quản một vị trí tốt, một ngã ba trên tuyến đường mà ngày nào những chiếc xe than của tập đoàn cũng phải chở than qua lại, thích hợp cho việc trộm cướp than.

Tuấn đầu tư máy xúc, xe tải, kéo đám đàn em về đó dựng lán trại làm bản doanh cho cả băng nhóm. Dùng lớp xít phế thải, đất đá đổ cao xung quanh tạo thành lớp tường bao nhằm che mắt các cơ quan chức năng, tiện việc thu mua than. 

Trước kia, những việc xô xát diễn ra chỉ đơn giản là để thể hiện máu anh hùng, tính nổi loạn và thích thể hiện hơn người của tuổi trẻ. Nhưng giờ khi bước chân vào cuộc sống làm than thổ phỉ, được sự chỉ bảo rèn giũa của chú, Tuấn “thiếu gia” bắt đầu có những toan tính riêng cho bản thân, cho cuộc đời sau này. Khi lán trại đã hoàn thành, Tuấn bắt đầu vung tiền chiêu nạp thêm nhóm thanh niên lêu lổng, nghiện ngập cùng phường lại để tiện việc làm ăn. 

Hầu hết trong đám đàn em của Tuấn toàn thành phần nghiện ngập chơi bời. Dựa vào nhược điểm của chúng, Tuấn chu cấp tiền cho chúng chơi thuốc phiện để đổi lấy sự trung thành, sai bảo chúng vào những công việc làm ăn phi pháp. Đối với lũ nghiện, lúc vật vã lên thì chỉ cần có một mũi thuốc chích vào người là bảo gì cũng dám làm, liều lĩnh, không suy nghĩ. Qua sự chỉ bảo kinh nghiệm làm ăn từ ông chú giang hồ đi trước, Tuấn phân công đàn em chia nhau làm việc. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội dành hơn 4,7 tỷ đồng tặng quà đối tượng chính sách

Theo tin từ Văn phòng UBND TP Hà Nội, nhằm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công (NCC), UBND TP đã ban hành kế hoạch về việc tặng quà tới các đối tượng chính sách là người có công, cơ sở cách mạng nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 -2/9/2019).

Nguồn: Pháp luật Plus