Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi họp báo
Thông tin trên được công bố tại buổi họp báo trực tuyến kết quả Công đoàn chăm lo đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 17/8.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay, cả nước có 1.300.304 người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Có 10.335 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” với hơn 930.000 người lao động “ăn - ngủ - làm việc” tại doanh nghiệp (riêng 20 tỉnh phía Nam áp dụng giãn cách xã hội và 20 Công đoàn ngành là 10.071 doanh nghiệp với 905.315 công nhân).
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trước tình hình trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực phối hợp với chính quyền, chủ doanh nghiệp vẫn đang hoạt động trong “vùng xanh” tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để bảo đảm việc làm cho người lao động.
Tổng Liên đoàn đã sớm quyết định sử dụng tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ đoàn viên, người lao động; miễn đóng đoàn phí đối với đoàn viên có mức lương thấp, lùi đóng kinh phí với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Mỗi cán bộ công đoàn chuyên trách đã đóng góp 3 ngày lương để ủng hộ người lao động bị ảnh hưởng Covid-19.
Theo thống kê, Công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền 1.222,689 tỷ đồng cho hơn 1 triệu lượt đoàn viên, người lao động thụ hưởng qua những mô hình như: Tổ cứu trợ khẩn cấp, Siêu thị 0 đồng, Xe buýt siêu thị 0 đồng, Túi an sinh công đoàn, Bếp ăn yêu thương…, đặc biệt là vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho lao động.
Đơn cử như tỉnh Bình Dương đã vận động 60-70% chủ nhà trọ miễn giảm tiền trọ cùng với hỗ trợ rau, củ, gạo… cho công nhân khó khăn. Đặc biệt, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã chi hơn 60 tỷ đồng để hỗ trợ 410.000 suất hàng hóa, nhu yếu phẩm cho công nhân khó khăn tại khu cách ly, khu phong tỏa.
Về thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tinh thần chỉ đạo của Tổng Liên đoàn là công đoàn các cấp phải chủ động vào cuộc ngay từ đầu để cùng doanh nghiệp lập danh sách, hồ sơ bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Theo báo cáo của 16 địa phương, đến nay đã có 472.790 người lao động được hỗ trợ 650,9 tỷ đồng.
Liên quan đến việc nhiều lao động mất việc và quyết định rời bỏ nơi cư trú để về quê, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc người lao động tự phát trở về quê sẽ gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, bởi trên thực tế, đã có nhiều người từ các địa phương có dịch khi trở về quê đã là nguồn lây. Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kêu gọi “ai ở đâu, ở nguyên đó” không di chuyển. Tổ chức Công đoàn sẽ phối hợp với các cấp chính quyền, doanh nghiệp hỗ trợ kịp thời.
Ánh Dương - TTTĐ