Giá rau xanh vùng sản xuất giảm mạnh - chợ dân sinh vẫn cao
Kinhte&Xahoi
Thời điểm này, giá rau thu mua tại ruộng xuống thấp đột ngột, nhiều loại rau giảm giá tới 1/3 do các thương lái dừng việc thu mua... Trong khi đó, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá rau có giảm nhưng không giảm sâu.
Giá rau xanh các loại trên địa bàn các huyện như Gia Lâm, Chương Mỹ, Phú Xuyên giảm mạnh.
Ghi nhận tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, một trong những vựa rau lớn của Hà Nội cho thấy, giá rau đang giảm mạnh từng ngày, khắp các đồng rau của xã Văn Đức dù đang vào vụ thu hoạch nhưng khá vắng vẻ, không còn cảnh thương lái tấp nập thu mua rau, củ chuyển đi các tỉnh như cách đây chưa lâu.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngay trên cách đồng rau đang vào vụ thu hoạch, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, một tuần trở lại đây, tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, giá rau giảm từng ngày.
Nếu như trước đó, nông dân bán từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/kg bắp cải, 2.000 đồng đến 3.000 đồng/củ su hào, 5.000 đồng đến 7.000 đồng/kg rau xanh các loại tại ruộng thì đến thời điểm hiện tại, giá bắp cải chỉ còn 1.500 đồng/kg, su hào 800 đồng/củ, rau xanh các loại dao động từ 2.000 đồng đến 4.000 đồng/kg. Đáng nói giá giảm sâu nhưng sức thu mua của thương lái vẫn rất chậm.
Bà Nguyễn Thị Toàn ở xã Văn Đức cho hay: "Gia đình tôi trồng 2 sào bắp cải, 3 sào súp lơ để bán trong dịp Tết Nguyên đán và đã cắt bán lẻ tại các chợ dân sinh để giảm áp lực tiêu thụ. Tuy nhiên, với giá rau hiện nay, sau khi trừ các chi phí về giống, vật tư… nông dân vẫn lỗ từ 2 đến 5 triệu đồng/sào".
Giá rau xanh các loại trên địa bàn các huyện như Gia Lâm, Chương Mỹ, Phú Xuyên giảm mạnh.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Rau cần Khai Thái Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay, xã Khai Thái có khoảng 200 hộ trồng rau cần trên diện tích 30ha, mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 7 tấn rau. Giá bán rau cần vào dịp Tết Nguyên đán các năm đều tăng ít nhất từ 10% đến 20% so với ngày thường nhưng năm nay không tăng mà còn giảm mạnh.
Giá bán rau cần cách đây chục ngày là 8.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg, bà con hy vọng giữ được giá này, nếu những ngày tới, giá giảm sâu nữa thì coi như vụ rau Tết này không có công...
Còn bà Nguyễn Thị Lan ở xã Khai Thái chia sẻ, giá rau cần trên thị trường rất thấp, nếu tình trạng này kéo dài, hộ nào may mắn thì hòa vốn còn không phải bù lỗ.
Trong khi đó, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố, giá rau có giảm nhưng không quá sâu: 5.000 đồng/mớ rau cải cúc, 3.000 đồng-5.000 đồng/củ su hào, 5.000 đồng-7.000 đồng/kg cải bắp, 8.000 đồng-12.000 đồng/kg cà chua… Với mức giảm này chỉ giảm khoảng 10% so với cách đây hơn một tuần. Và cá biệt có một số rau, củ tăng giá mạnh như bí xanh, khoai tây giá từ 18.000 đồng đến 20.000 đồng/kg…
Lý giải về giá bán rau tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh chỉ giảm nhẹ và một số rau, củ có xu hướng tăng, chị Nguyễn Thị Loan, một thương lái chuyên thu mua rau, củ về bán tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông) cho hay, mớ rau đến với người tiêu dùng phải qua tay nhiều thương lái; người thu mua tại ruộng, người ngồi bán tại chợ đầu mối, rồi người đi chợ đầu mối về bán lại cho các sạp rau trong chợ… mỗi khâu giá tăng lên một chút.
Ở một điểm nhìn khác, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, chủ cửa hàng rau xanh tại chợ Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm chia sẻ, rau thường thì sáng tươi, trưa héo, đến chiều bỏ đi, lại qua nhiều kênh phân phối nên giá bán tại nội thành khá cao so với giá thu mua ở khu vực ngoại thành.
Chia sẻ về giá rau trên thị trường, ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội thông tin, vụ đông xuân này, Hà Nội gieo trồng hàng chục nghìn héc ta rau các loại, thời tiết thuận lợi nên năng suất cao. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn Thủ đô, các vựa rau lớn của Hà Nội còn xuất đi các tỉnh, thành phố, điển hình như vùng rau Văn Đức huyện Gia Lâm. Trong bối cảnh các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh thực hiện giãn cách xã hội, giảm giá là phản ứng chung của thị trường.
Mặt khác, trên địa bàn Hà Nội, thời điểm này, học sinh, sinh viên các trường đã nghỉ học dẫn tới các bếp ăn tập thể dừng hoạt động, do vậy giá rau giảm sâu. Tình trạng giá rau xanh giảm mạnh không chỉ ở Hà Nội mà còn xảy ra ở nhiều địa phương lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang…
“Giá cả tại vùng sản xuất và các chợ dân sinh có sự chênh lệch lớn là bài toán nan giải nhiều năm qua, hy vọng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thời gian tới khoảng cách này sẽ được rút ngắn…”, ông Nguyễn Mạnh Phương cho biết.
Bạch Thanh - Hà Nội mới