Tiền vốn để trong ngân hàng, không giải ngân được - đó là lãng phí
Sáng 26/7, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đã đưa ra những nhận xét thẳng thắn Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ.
"Trước hết là những lãng phí mà hiện nay cử tri và nhân dân rất là bức xúc là lãng phí trong việc đầu tư công, trong việc thực hiện các dự án đầu tư. Khi chúng ta thực hiện giải ngân đầu tư công chậm, đây sẽ là một việc gây lãng phí khi chúng ta đã huy động tiền vốn. Chúng ta đã phải trả lãi tiền vốn đó, nhưng vốn đấy cứ để ở trong Kho bạc, trong ngân hàng, không giải ngân được, không đưa vào công trình. Đấy là phần lãng phí do việc chúng ta phải trả tiền lãi. Khi công trình triển khai mà chậm tiến độ thì toàn bộ vốn đưa vào công trình đó không trở thành tài sản đưa vào sử dụng. Như vậy, chúng ta vẫn trả tiền lãi cho toàn bộ vốn huy động này. Đấy là phần lãng phí của xã hội.
Ảnh minh họa.
Những công trình mà triển khai không đúng tiến độ lại kéo theo làm chậm các công trình, các hoạt động kinh tế - xã hội khác, như vậy lại gây ra những lãng phí của các ngành, các lĩnh vực có liên quan. Những vấn đề này chúng ta vẫn chưa có đánh giá. Đây là một phần lãng phí rất lớn", Đại biểu Hoàng Văn Cường đưa ra nhận xét.
Một lãng phí thứ hai trong đầu tư công chúng ta cũng nhìn thấy rất rõ là có những dự án đầu tư là đầu tư xong không có hiệu quả hoặc là hiệu quả không cao...Điển hình, chúng ta nhìn thấy rất nhiều các đường phố, con đường hôm nay, công trình làm việc này thì đào lên lấp xuống, ngày mai công trình khác lại đào lên lấp xuống. Đó chính là những lãng phí do chúng ta không có sự phối hợp, không có sự tính toán một cách chắc chắn về bước đi.
"Lãng phí trong việc sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc, tài sản của các doanh nghiệp. Rất nhiều các trụ sở làm việc của cơ quan ở những vị trí đất vàng, nhưng sử dụng không hiệu quả, thậm chí có những cơ quan đã được xây dựng ở những vị trí mới nhưng vẫn không trả những trụ sở cũ. Đó chính là việc tạo ra lãng phí, không phải chỉ phần đất đai đó mà còn mất cơ hội cho những người khác có khả năng khai thác, sử dụng những các nguồn tài nguyên đó tốt hơn.
Đặc biệt, cử tri và nhân dân đang bức xúc trong chuyện chúng ta để lãng phí khi tài sản nằm ở các doanh nghiệp nhà nước không có hiệu quả, những doanh nghiệp yếu kém, những doanh nghiệp thua lỗ, điển hình như 12 đại dự án thua lỗ. Khi chúng ta không xử lý được chúng ta để ở đó thì hằng năm tiếp tục lỗ thêm, tài sản tiếp tục hư hỏng. Đó sẽ là một lãng phí vô cùng lớn của xã hội, nhưng trong báo cáo này vẫn chưa chỉ ra. Chúng ta phải có các giải pháp mạnh để dứt điểm những việc lãng phí những nguồn lực rất lớn này.
Một vấn đề thứ trong báo cáo cũng đề cập đến nhưng tôi thấy cũng chưa rõ, đó là vấn đề lãng phí trong việc sử dụng con người, sử dụng cán bộ... Chúng ta biết rằng một vị trí quy hoạch tối đa đến 4 người, 1 người lại quy hoạch tối đa là 3 vị trí. Như vậy người cán bộ phải luôn luôn đi học các chứng chỉ để sẵn đấy, chuẩn bị sẵn cho mình để chuẩn bị cho việc bổ nhiệm. Việc này gây ra một sự lãng phí trong việc đào tạo cán bộ", Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét.
Giải ngân chậm trong đầu tư công cũng là sự lãng phí. Ảnh minh họa.
Tiết kiệm, chống lãng phí phải là quốc sách
Đồng tình với nhận định về lãng phí trong đầu tư công và chậm triển khai các dự án, ĐBQH Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng, nguyên nhân là bởi chưa có sự đồng bộ về cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị đầu tư còn bất cập… Đại biểu Đào Hồng Vận đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư xây xựng để tạo thuận lợi hơn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao phân cấp phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Cùng bàn luận về tiết kiệm, chống lãng phí, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM) thì đưa ra ví dụ.
"Tôi đã từng là giám đốc một cơ quan cấp sở và năm nào tôi cũng đứng trước lựa chọn là nếu anh không chi hết kinh phí được cấp thì năm tới anh sẽ bị cắt. Cho nên nếu năm nay khi 10 đồng anh chi hết thì năm tới tăng 10% là anh có 11 đồng. Nếu anh không xài hết thì bị cắt. Tôi cho quy định này không hợp lý, cần phải sửa. Năm nay tôi chỉ cần 10 đồng nhưng năm tới nếu tôi cần 12 đồng và 12 đồng này phải được xét và hợp lý thì tôi phải được cấp 12 đồng. Tình trạng này cũng lâu quá rồi, tôi đã về hưu và cũng không còn trực tiếp thì không biết có còn như vậy không.
Hoặc là nhân sự, tôi được biên chế là 50 người. Nhưng mà nếu 50 người rồi mà tôi không đủ thì sắp tới tôi sẽ bị cắt. Nhưng 3 năm sao tôi cần 60 người thì bảo là không được bởi vì phải tăng dần lên. Với quy định này, tôi cho là chúng ta cần phải sửa. Để tiết kiệm trở thành quốc sách, chúng tôi đề nghị là tiết kiệm, chống lãng phí phải đưa vào các nghị quyết ở cấp độ như là một quốc sách, như chúng ta nói giáo dục là quốc sách. Trong các chỉ thị quy định, trong các quy hoạch và kế hoạch thì tiết kiệm, chống lãng phí phải là một yếu tố cấu thành và là một tiêu chí để đánh giá thành tích của cán bộ của tổ chức, của cơ quan".
“Cùng với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ, Quốc hội cũng cần coi trọng vấn đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí hàng năm và cả nhiệm kỳ. Bởi đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng. “Tới đây, nếu Quốc hội biểu quyết thông qua lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm chống lãng, giám sát trên phạm vi cả nước sẽ phát hiện và giải quyết được nhiều vấn đề”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 24/7 của Quốc hội.
Quang Vũ - Pháp luật Plus