Giữ tuổi hưu, tăng ngày nghỉ
Kinhte&Xahoi
Tăng tuổi nghỉ hưu là không thiết thực, nhưng nếu tăng sự quan tâm đến ngày nghỉ và lao động đặc thù thì mang lại nhiều giá trị nhân văn cho công nhân lao động - đó là nội dung chính tại Hội nghị góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do LĐLĐ Đồng Tháp vừa tổ chức.
12.Các đai biểu nữ tập trung phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất thiết thực đến nội dung liên quan đến vấn đề nữ giới. Ảnh: LỤC TÙNG
Giữ tuổi hưu
Tại hội nghị, có 15 lượt ý kiến đề cập đến nhiều nội dung, nóng nhất là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu. Nhiều đại biểu bày tỏ không đồng tình với đề xuất này vì cho rằng không thiết thực với lao động trực tiếp, cụ thể với 2 ngành chế biến thủy sản và may mặc đa phần thu hút lao động nữ. “Phần lớn lao động này đều nghỉ việc trước tuổi 50 vì sức khỏe suy giảm, không đáp ứng được đòi hỏi của công việc nên bình thường đã rất khó để nghỉ hưu đúng tuổi, vì thế càng khó đáp ứng được theo dự thảo” - bà Nguyễn Thị Thủy Tiên - Chủ tịch CĐ các Khu Công nghiệp - Khu Kinh tế Đồng Tháp - cho biết.
Nhiều đại biểu cho rằng, trên thực tế, các doanh nghiệp cũng luôn tìm cách loại thải số lao động này để tuyển chọn lao động trẻ vào thay thế để tận dụng tối đa năng suất làm việc của sức trẻ. “Vì thế, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, khả năng người lao động phải cố làm việc quá sức.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đe dọa đến độ an toàn trong lao động, sản xuất vì nguy cơ tai nạn, bất trắc sẽ tăng cao hơn” - Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Liên doanh Nghị Phong (TP.Cao Lãnh) Võ Thị Như Ý nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu cũng không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu trong lĩnh vực hành chính, văn phòng, thậm chí còn cho rằng việc không tăng tuổi nghỉ hưu như hiện nay là cách làm thiết thực tiết kiệm ngân sách và hơn thế nữa. “Hiện nhiều trí thức trẻ đang cần việc làm, đa số có trình độ, có nhiệt tình, có sức trẻ, nhưng mức chi trả lương và các chế độ hỗ trợ khác lại thấp...
Vì vậy nếu giữ nguyên tuổi hưu như hiện nay, ngoài việc tận dụng được lợi thế tri thức, sức trẻ để làm lợi cho nhà nước, chúng ta vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa tăng tốc bộ máy hành chính theo hướng tích cực” - ông Ngô Văn Dũng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Lai Vung - đề xuất.
Tăng ngày nghỉ
Tại hội nghị, nhiều đại biểu rất tha thiết với đề xuất tăng ngày nghỉ với những lý do rất thiết thực và chính đáng. “Đó không chỉ đơn thuần là có thêm ngày để người lao động nghỉ ngơi thư giãn mà còn có ý nghĩa tăng thêm thời gian để người lao động, nhất là giới nữ tìm hiểu bạn bè để có thể tiến tới hôn nhân chính chắn hơn, an toàn hơn. Bởi thực tế, vì chạy theo việc làm mà nhiều lao động trẻ đánh mất cả thời thanh xuân” - bà Như Ý nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc - Chủ tịch CĐCS Cty CP Xuất nhập khẩu Y tế Đồng Tháp (DOMESCO) - nhấn mạnh: “Nên tăng ngày nghỉ vào Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho người lao động trực tiếp có thêm thời gian tôn vinh những giá trị gia đình”. Theo bà Ngọc, đó không chỉ là việc vợ, chồng có nhiều thời gian để quan tâm đến nhau, mà còn giúp cha và mẹ quan tâm đến con cái nhiều hơn...
Quan tâm yếu tố đặc thù
Nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn dự thảo luật quan tâm đến các yếu tố đặc thù. Bà Lê Hải Trang - Chủ tịch CĐCS Cty TNHH MTV Cấp nước - Môi trường đô thị Đồng Tháp - chia sẻ: “Đến nay, hốt rác vẫn chưa được công nhận là môi trường độc hại, trong khi đó trên thực tế thì vô cùng khắc nghiệt.
Ngoài mùi hôi, thối cũng như sự vất vả của thời gian làm việc đêm khuya, công nhân thu rác còn đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng từ kim tiêm và tai nạn giao thông”. Bà Trang dẫn chứng, đã có trường hợp người quét đường ca đêm bị xe tông... dẫn đến tàn tật.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị nên cụ thể hóa quy định về phụ nữ nuôi con nhỏ. Bà Như Ý trình bày: “Quy định cụ thể để tránh nạn “trây ỳ” không chỉ gây ảnh hưởng đến người lao động, bởi khi không được trang bị phòng, lao động nữ phải sử dụng cả nhà vệ sinh để vắt sữa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe của các cháu”.