Hà Nội đã hỗ trợ hơn 3,37 triệu lượt người gặp khó khăn do Covid-19

16/10/2021 19:23

Kinhte&Xahoi Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, thời gian qua, TP đã hỗ trợ cho hơn 3,37 triệu lượt người, gia đình, hộ kinh doanh gặp khó khăn do Covid-19.

Trên 3,37 triệu lượt người, gia đình, hộ kinh doanh đã được hỗ trợ

 Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, từ đầu tháng 7/2021 đến cuối ngày 15/10, tổng nguồn lực thành phố chi hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, người lao động, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hơn 1.641 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn kinh phí từ ngân sách hơn 1.177 tỷ đồng để chi cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng các chính sách theo quy định của Trung ương và đặc thù của thành phố; Còn nguồn xã hội hóa hơn 393,358 tỷ đồng để chi hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng gặp khó khăn.

Hà Nội đã hỗ trợ cho hơn 3,37 triệu lượt người gặp khó khăn do Covid-19

Cụ thể, nguồn kinh phí ngân sách gần 872 tỷ đồng được hỗ trợ cho hơn 1,75 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn theo nội dung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ gồm 12 nhóm chính sách và đến thời điểm này, Hà Nội đã triển khai được 11/12 nhóm chính sách. Còn nhóm chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động chưa đến với đối tượng thụ hưởng là do các cơ quan chức năng chưa nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Các chính sách có nhiều người thụ hưởng là giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng mức đóng 0%, đã có 1,423 triệu lao động được tiếp cận, thụ hưởng.

Với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đã có 30/30 quận, huyện, thị xã ra quyết định hỗ trợ cho gần 306.000 lao động.

Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do), 30/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai tích cực. Đến nay, toàn thành phố đã ra quyết định hỗ trợ cho gần 229.000 lao động với số tiền gần 343 tỷ đồng (1,5 triệu đồng/người).

Nguồn kinh phí từ ngân sách gần 298 tỷ đồng đã đến với hơn 289.000 người, hộ kinh doanh hưởng theo các chính sách hỗ trợ an sinh đặc thù của thành phố Hà Nội.

Ngoài các chính sách của Trung ương và thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã trích kinh phí hơn 89 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 để quyết định hỗ trợ cho 175.117 hộ nghèo và nhiều đối tượng khác, bao gồm cả một số người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội.

Từ nguồn lực vận động xã hội hóa, toàn thành phố đã giúp đỡ, hỗ trợ cho 1,059 triệu lượt người, hộ gia đình gặp khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền hơn 304 tỷ đồng...

Như vậy, tính chung, Hà Nội đã hỗ trợ cho hơn 3,37 triệu lượt người, gia đình, hộ kinh doanh gặp khó khăn do Covid-19.

Tập trung khôi phục và phát triển thị trường lao động

 Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung thì diện bao phủ của chính sách cơ bản đã tới với người dân. Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và mới đây là Nghị quyết 126 sửa đổi đã đi vào cuộc sống, được Nhân dân ghi nhận, giúp người dân khắc phục một phần khó khăn trong cuộc sống.

Nhìn tổng quát, từ Nghị quyết 42, đến Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 là những chính sách rất nhân văn, thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ người lao động, chung sức chung lòng cùng người dân vượt qua khó khăn.

Nhiều người dân Thủ đô đã nhận được hỗ trợ an sinh xã hội

Từ chính sách này, phần đông người lao động khắc phục khó khăn vươn lên, phần lớn doanh nghiệp chia sẻ với người lao động, chung tay cùng vượt qua đại dịch. Các chính sách không chỉ hướng tới người lao động, công nhân mà còn rất nhiều đối tượng yếu thế đã được chăm lo như người già, trẻ em mồ côi, người khuyết tật…

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 14/10, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc gần 21,89 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng.

Tại 23 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ là 17,75 nghìn tỷ đồng, chiếm 80% toàn quốc; Hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng, chiếm 69,5% toàn quốc. Riêng TP HCM đã chi 10,13 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 9,41 triệu lượt đối tượng

Kết quả triển khai nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ lao động từ Quỹ BHTN đến ngày 14/10 đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia BHTN và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định xuất cấp tổng cộng 137.090 tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,41 triệu hộ với gần 9,14 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thời gian tới, các đơn vị tập trung rà soát lại tình hình lao động, sản xuất kinh doanh dưới góc độ trách nhiệm của ngành để đánh giá thực chất tình hình lao động, việc làm và tình hình thiếu hụt lao động, cơ cấu lao động, chuyển dịch lao động.

Qua đó, các đơn vị, địa phương kiến nghị giải pháp, chính sách nhằm giữ chân người lao động, thu hút lao động quay trở lại làm việc; Điều tiết lực lượng lao động, góp phần phục vụ công tác sơ kết của Chính phủ, hoàn thiện đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động để kịp thời bổ sung vào cơ chế chính sách cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-da-ho-tro-hon-337-trieu-luot-nguoi-gap-kho-khan-do-covid-19-180525.html