Phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đời sống của Nhân dân, đặc biệt là chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian chứng kiến sức sống bền vững của chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các mặt hang nông sản và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.
Tại Hà Nội, sau khi gieo cấy lúa vượt mục tiêu kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung vận động, hướng dẫn bà con nông dân gieo cấy hết diện tích rau màu vụ Xuân 2022 nhằm đảm bảo nguồn cung rau xanh phục vụ Nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận.
Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp giữ vững chuỗi liên kết, sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hàng hóa, góp phần ổn định cung cầu thị trường trong nước
Theo đó, vụ Xuân 2022, huyện Mê Linh (Hà Nội) là địa phương có diện tích gieo trồng rau màu theo kế hoạch lớn nhất của Hà Nội với gần với 2.500ha. Trong đó, rau và hoa là hai nhóm ngành hàng chủ lực, chiếm tổng diện tích lần lượt hơn 1.000ha và 620ha.
Ngay sau khi thu hoạch cây trồng vụ Đông, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đã bắt tay ngay vào lấy nước, gieo trồng rau màu vụ Xuân. Đến nay, hợp tác xã đã hoàn thành canh tác hơn 200ha rau an toàn tại vùng đất bãi ven sông Hồng.
Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho hay: Những năm qua, thôn Đông Cao vẫn được xem là vựa rau lớn nhất nhì của Hà Nội. Chính vì vậy, thành viên hợp tác xã luôn cố gắng tranh thủ điều kiện về thời tiết, nguồn nước để bảo đảm tiến độ gieo trồng rau màu, đáp ứng nguồn cung loại thực phẩm này cho người tiêu dùng Thủ đô.
Cùng với Mê Linh, những vùng rau lớn khác của Hà Nội ở các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm… không khí sản xuất cũng rất khẩn trương. Bà con tích cực xuống đồng làm đất, gieo trồng hạt giống, tưới tắm, chăm sóc cho rau màu vụ Xuân.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Hoàng Thị Tuyết cho biết: Những năm gần đây, điều kiện nguồn nước khá ổn định. Trong vụ Xuân 2022, thời tiết cũng cơ bản thuận lợi. Nhờ đó đến nay, nông dân địa phương đã hoàn thành gieo trồng hơn 1.000ha rau màu, trong đó, rau các loại chiếm hơn 500ha.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã gieo trồng được hơn 17.206ha rau màu vụ Xuân, trong đó, riêng rau các loại đạt hơn 8.000ha; Còn lại là những diện tích hoa - cây cảnh, ngô, lạc, đậu đỗ, khoai lang… Hiện nay, điều kiện thời tiết vẫn khá thuận lợi để bà con nông dân mở rộng diện tích canh tác rau màu vụ Xuân. Do đó, các địa phương vẫn tiếp tục vận động bà con xuống đồng sản xuất, bảo đảm gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch.
Đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa
Không chỉ chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp tại chỗ, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Việc đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân Hà Nội và các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản thiết yếu, thủy sản, trái cây, sản phẩm OCOP… qua đó góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất cho nông dân, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường.
Đồng thời, liên kết vùng cũng góp phần hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã sản xuất quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối biết để ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa; Đẩy mạnh kết nối với các bộ phận thu mua của các kênh phân phối nước ngoài như Central Group, Aeon, Lotte… để xuất khẩu hàng hóa.
Thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trên cả nước
Đáng chú ý, trong thời gian từ quý I đến hết quý II/2022, thành phố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia các hoạt động giao thương trực tuyến tiêu thụ sản phẩm do các tỉnh, thành phố tổ chức trong các mùa vụ trái cây, nông sản; Hướng dẫn các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng Thủ đô; Triển khai ký biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các đơn vị tham gia…
Cùng với các hoạt động kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản, thành phố còn giao Sở Công thương phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành phố khác tổ chức từ 2-3 buổi làm việc, hoạt động giao thương, giới thiệu sản phẩm có quy mô nhỏ theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến; Tổ chức từ 3-5 tuần hàng trái cây, nông sản của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội; Tổ chức 2-3 đoàn doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh thành phố tham gia khu gian hàng Hà Nội tại các hội trợ, triển lãm do Sở Công thương các tỉnh, thành phố tổ chức.
Ngoài ra, thành phố sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức từ 15-20 tuần lễ trái cây, hàng nông sản tại Hà Nội khi dịch bệnh được kiểm soát; Hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nguy cơ dư cung cao trong các mùa vụ, rủi ro từ thị trường tiêu thụ, xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch COVID-19…; Giới thiệu các địa điểm thuận lợi để hỗ trợ các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức điểm bán sản phẩm các tỉnh, thành phố tại Hà Nội...
Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, đơn vị sản xuất kinh doanh, xuất khẩu Hà Nội chủ động nghiên cứu, tham gia các nội dung chương trình; Tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 khi tham gia, triển khai các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa…
Như vậy, có thể thấy rằng, với những biện pháp nhanh chóng, kịp thời, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường kết nối, giao thương sản phẩm hang hóa nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới.
Khắc Nam - TTTĐ