Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại một siêu thị ở quận Bắc Từ Liêm.
Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra
Là địa bàn đông dân với trên 30 vạn người thuộc 18 phường, hiện toàn quận Hai Bà Trưng quản lý 2.618 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng được xã hội đặc biệt quan tâm vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của cả cộng đồng. Do đó, quận luôn xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai kịp thời. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền quận, 18 phường và sự ủng hộ, đồng tình, đồng thuận của toàn thể nhân dân.
Nhằm thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thời gian qua, quận Hai Bà Trưng đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, từ đầu năm nay cho đến tháng 7-2023, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của quận và 18 phường đã kiểm tra được 1.217 cơ sở. Qua đó, tiến hành xử lý vi phạm 208 cơ sở với tổng số tiền là hơn 992 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu, gồm: Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thức ăn không được ngăn chặn bụi bẩn; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; không bố trí riêng biệt theo quy định về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói...
Tương tự, huyện Đông Anh cũng đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã triển khai 2 đợt kiểm tra cao điểm và hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ các cơ sở cung cấp thực phẩm cho các trường học, các bếp ăn tập thể khu công nghiệp trên địa bàn. Tổng số cơ sở được kiểm tra là 1.645 cơ sở (chiếm 32,6%), qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 111 cơ sở với tổng số tiền hơn 253 triệu đồng.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh Nguyễn Thành Luân, huyện có khoảng 5.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua tăng cường thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng của huyện đã kịp thời chấn chỉnh từ những lỗi vi phạm nhỏ nhất như không đeo khẩu trang trong quá trình chế biến thực phẩm; không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm; có côn trùng động vật gây hại… cho đến điều kiện vệ sinh cơ sở chưa bảo đảm; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sơ chế, chế biến thực phẩm...
“Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, huyện đã triển khai các mô hình điểm về kinh doanh dịch vụ ăn uống. Nhờ đó, tạo sự thay đổi về diện mạo của các cơ sở so với trước. Chủ cơ sở đã chủ động bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị; tổ chức khám sức khỏe cho bản thân và người lao động tham gia trực tiếp chế biến thực phẩm”, ông Nguyễn Thành Luân nói.
Giống với huyện Đông Anh, quận Bắc Từ Liêm cũng có số lượng lớn cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, lên tới hơn 4.300 cơ sở. Từ đầu năm đến nay, các đợt kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm; kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ, cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người; các hộ sản xuất, kinh doanh bánh mứt, kẹo; các cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy hải sản. Kết quả kiểm tra, giám sát 1.009 cơ sở đã xử phạt vi phạm hành chính 31 cơ sở với số tiền phạt hơn 219 triệu đồng.
Kiên quyết đình chỉ cơ sở không đủ điều kiện
Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn các quận, huyện, thị xã hiện còn gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể là địa bàn quản lý rộng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn và thường xuyên thay đổi dẫn đến khó kiểm tra, xử lý. Cùng với đó, việc giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ vẫn còn nhiều bất cập. Mặt khác, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của nhiều cơ sở chưa cao; việc lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng còn dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu hành trên thị trường, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm…
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, thời gian tới, UBND quận Bắc Từ Liêm tập trung chỉ đạo triển khai 8 nội dung trọng tâm. Trong đó, quận tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của lãnh đạo chính quyền địa phương, đặc biệt đối với cấp phường; tổ chức truyền thông sâu rộng để nâng cao ý thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm; tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm…
Để phát huy hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền, cơ quan chức năng của quận sẽ kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời đình chỉ cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, quận tiếp tục công khai tên, địa chỉ cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm; nêu gương mô hình sản xuất, quản lý tốt an toàn thực phẩm.
Xuân Lộc - Hà Nội mới