Hà Nội: Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4 người/1.000 dân
Kinhte&Xahoi
Tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa.
Khám mắt cho bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Ảnh: Thu Giang
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống mù lòa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch xác định rõ mục tiêu, toàn thành phố phấn đấu đến năm 2030, giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4 người/1.000 dân, trong đó, giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 12 người/1.000 dân; tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 3,5 người/1.000 dân, trong đó, tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 95%; tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 75%; tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 95%.
Để hoàn thành các mục tiêu này, kế hoạch xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng, ban hành các văn bản, chính sách chỉ đạo, hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các cơ sở y tế trong và ngoài công lập... tham gia vào công tác phòng, chống mù lòa. Triển khai chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa... dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị, dự phòng các bệnh về mắt…
Đáng chú ý, thành phố chỉ đạo tập trung đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế phụ trách công tác phòng, chống mù lòa; bảo đảm 100% cán bộ chuyên trách tại trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế xã, phường được cập nhật, nâng cao kiến thức hằng năm. Đồng thời, xây dựng các chương trình đào tạo liên tục chuyên khoa mắt phù hợp với trình độ, nhu cầu của cán bộ y tế cơ sở và điều kiện thực tiễn; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn thường xuyên cho tuyến y tế cơ sở trong chẩn đoán và điều trị các bệnh mắt thường gặp.
Thành phố cũng chỉ đạo tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh mắt có khả năng gây mù, như: Mộng, quặm, đục thể thủy tinh, glocom, bệnh võng mạc đái tháo đường...; lập danh sách bệnh nhân để theo dõi, quản lý và có kế hoạch can thiệp; tư vấn, hỗ trợ người bệnh tiếp cận nhanh chóng với các dịch vụ điều trị hiệu quả; tuyên truyền, vận động, khuyến khích những đối tượng có nguy cơ cao chủ động thăm khám mắt định kỳ…
Thúy Nga - Hà Nội mới