Đèn tín hiệu để sang đường cho người đi bộ được kỳ vọng giúp phát triển giao thông công cộng.
Tại TP Hà Nội, không chỉ trên những tuyến phố lớn mà trong các ngõ ngách, hẻm nhỏ, mật độ tham gia giao thông luôn đông đúc, việc di chuyển sang đường luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho người đi bộ.
Từ cuối năm 2017, cụm đèn tín hiệu sang đường với nút bấm chủ động dành riêng cho người đi bộ được lắp đặt và đưa vào sử dụng. Hà Nội hiện có khoảng tổng 13 nút đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ sang đường. Với thiết kế đặc biệt, nút bấm được nắp đặt trên cột đèn tín hiệu, khi muốn qua đường, người đi bộ thực hiện thao tác bấm nút, một lúc sau đèn giao thông sẽ chuyển sang màu đỏ và các phương tiện sẽ dừng lại nhường đường. Mô hình này được triển khai nhằm giúp người dân chủ động, hạn chế tai nạn giữa người đi bộ và các xe cơ giới và đảm bảo an toàn khi muốn qua đường và phát triển giao thông công cộng.
Sau gần 7 năm triển khai, dù tiện ích là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, tại một số địa điểm, đèn tín hiệu để sang đường cho người đi bộ chưa được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí lớn.
Nút bấm được nắp đặt trên cột đèn tín hiệu, khi muốn qua đường, người đi bộ thực hiện thao tác bấm. Nhiều người tỏ ra lạ lẫm khi sử dụng nút ấn điều khiển đèn qua đường
Cụ thể, trên các tuyến phố như Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy), Lê Quang Đạo (đoạn trước toà nhà The Matrix One, quận Nam Từ Liêm), Trần Quang Khải, Đinh Tiên Hoàng, nút giao Trần Quang Khải - Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm), nút giao Kim Mã - Giang Văn Minh (quận Ba Đình), Láng Hạ (quận Đống Đa),... dù được lắp đặt đã lâu nhưng đa số người đi bộ vẫn “bỏ quên” đèn tín hiệu dành cho mình, gần như chẳng mấy ai để ý đến sự tồn tại của những nút bấm đèn tín hiệu này dù đó là nơi có nhiều phương tiện qua lại. Trên các cột tín hiệu thiếu các biển chỉ dẫn nên khó thu hút được sự chú ý, khi được hỏi, nhiều người đi bộ cũng không biết tác dụng của những nút ấn sang đường này. Bên cạnh đó, tại nhiều điểm, nút ấn nhường đường cho người đi bộ thường xuyên bị trục trặc, không còn hoạt động.
Tại đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), đèn tín hiệu dành cho người đi bộ được lắp gần các trường đại học, nơi tập trung rất đông sinh viên đi lại. Tuy nhiên, hiện hệ thống đèn tín hiệu này đã không còn hoạt động.
Bên cạnh những hạn chế của đèn tín hiệu sang đường cho người đi bộ, ý thức tham gia giao thông của người dân cũng được xem là một nguyên nhân khiến những cột đèn này không thể phát huy hiệu quả. Tình trạng người đi bộ sang đường không đúng quy định, sang đường bất cứ đâu và bất cứ khi nào, gây nguy hiểm cho chính mình và các phương tiện tham gia giao thông khác.
Ngoài ra, nhiều xe máy, thậm chí cả ô tô bất chấp "lấn chiếm" vạch kẻ đường, vượt đèn báo nhường đường cho người đi bộ. Nhiều người dân tỏ ra lo lắng khi đi đúng đèn báo giao thông và phần đường của mình nhưng vẫn phải nhường đường cho xe máy, ô tô.
Chị Phương Lan, trú tại đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm) cho biết “Đèn tín hiệu cho người đi bộ ở đây có nhưng không mấy hiệu quả, cũng ít người sử dụng, dù có đèn đỏ báo nhường đường thì các xe vẫn chạy bình thường gây khó khăn, nguy hiểm khi di chuyển”.
Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thu Hiền, người dân sống tại tuyến phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm), chia sẻ “Nhiều lần có việc gấp tôi cũng sử dụng đèn này nhưng ấn nút lâu vẫn chưa chuyển đèn nên đành chờ ít xe rồi sang đường luôn. Một số chỗ không có biển chỉ dẫn nên cũng không biết có đèn ưu tiên”.
Cụm đèn tín hiệu để sang đường cho người đi bộ vốn được coi là giải pháp đảm bảo an toàn, khuyến khích người dân đi bộ và phát triển giao thông công cộng, nhưng để phát huy tối đa hiệu quả của nó cần có sự chung tay, phối hợp của chính quyền và cả người dân.
Tại điểm đèn cho người đi bộ trên đường Láng Hạ, người dân không quan tâm đến tín hiệu, mà vẫn giữ thói quen cũ khi sang đường.
Tại nút giao đường Lê Quang Đạo, dù đã có yêu cầu "dừng lại, nhường đường cho người đi bộ", nhưng nhiều phương tiện vẫn phớt lờ cảnh báo.
Tại nhiều điểm, nút bấm nhường đường cho người đi bộ thường xuyên bị trục trặc, không còn hoạt động.
Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về tác dụng của đèn tín hiệu dành cho người đi bộ, thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý những phương tiện, cá nhân vi phạm, phân bổ hệ thống đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ sang đường cho hợp lý hơn, qua đó phát huy hiệu quả sử dụng. Đồng thời, mỗi người dân cần phải tự ý thức được hành vi của mình, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh.
Bùi Nga - Thúy Vân - Pháp luật Plus