Hà Nội: Học sinh, sinh viên trường nghề tiêm 2 mũi vắc xin, khai báo y tế được học trực tiếp
Kinhte&Xahoi
UBND TP Hà Nội đã đồng ý với phương án cho học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đi học trực tiếp trở lại từ ngày 14/2. Theo đó, cả thầy và trò bắc buộc tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, khai báo y tế, tuân thủ quy định phòng dịch…
Cụ thể, UBND TP đồng ý với đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại tờ trình số 483/TTr-SLĐTBXH về việc cho học sinh, sinh viên, học viên đang học tập tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP đi học trở lại theo hình thức trực tiếp từ ngày 14/2/2022.
TP cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch COVID-19 trước, trong thời gian tổ chức cho học sinh, sinh viên, học viên quay trở lại học tập trực tiếp; Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch COVID-19 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; Phối hợp các cơ quan y tế trên địa bàn xây dựng phương án cụ thể, tổ chức diễn tập xử lý tình huống xảy ra trong nhà trường đảm bảo không đột xuất, bất ngờ.
Kiểm tra lại trang thiết bị dạy nghề tại trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội trước khi đón học sinh trở lại trường
Theo đó, từ ngày 14/2, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức cho học sinh, sinh viên, học viên từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 trở lại học trực tiếp.
Đối với học sinh trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi đang theo học văn hóa cấp THCS, THPT kết hợp với học nghề thực hiện theo chỉ đạo chung của Sở GD&ĐT Hà Nội để bảo đảm sự thống nhất trên địa bàn.
Khi đón học sinh, sinh viên, học viên trở lại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đạt các tiêu chí an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Giáo viên chưa tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 chỉ tham gia giảng dạy trực tuyến, không giảng dạy trực tiếp. Các nhà trường không tổ chức ăn bán trú; Không tổ chức bán cửa hàng ăn uống trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nắm rõ thông tin về tình hình sức khỏe của người học trước khi trở lại môi trường học tập trực tiếp; Đồng thời sắp xếp lịch học linh hoạt với từng đơn vị, ngành nghề, sức khỏe của người học cũng như diễn biến của dịch.
Trong quá trình tổ chức dạy trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với cơ sở y tế thực hiện ngay các biện pháp chống dịch COVID-19 tại chỗ, đồng thời báo cáo các cơ quan chức năng.
Dọn dẹp cơ sở vật chất để đón học sinh trường nghề học trực tiếp
Ngoài ra, các nhà trường cũng cần bố trí chỗ ăn, ở, điều kiện sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sao cho thuận lợi, an toàn. Nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẵn sàng phương án dạy trực tuyến.
Ghi nhận tại trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội, các thầy cô giáo đã tổ chức dọn dẹp lại cơ sở vật chất, khử khuẩn, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để đón học sinh trở lại trường.
TS. NGƯT Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết: "Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch, đón học sinh học tập trung trở lại từ ngày 14/2, nhà trường yêu cầu toàn thể học sinh, sinh viên nghiêm túc thực hiện 11 nội dung cụ thể để phòng chống dịch.
Đối với các học sinh cư trú ở địa bàn có nguy cơ cao, mức độ dịch cấp độ 3, 4 hoặc đang sống trong khu vực, thuộc đối tượng cách ly y tế thì báo lại ngay cho giáo viên chủ nhiệm, tạm thời không đến trường. Nhà trường sẽ bố trí cho các học sinh, sinh viên này học trực tuyến để đảm bảo thời gian học.
Hoa Thành - TTTĐ