Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết: BHXH Thành phố đã rà soát các đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP. Theo đó, tổng số đơn vị có lao động tham gia BHTN trên địa bàn thành phố Hà Nội là 89.067 đơn vị với 1.674.308 lao động; trong đó: Số đơn vị đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP là 83.352 đơn vị, với 1.484.502 lao động.
Số đơn vị không đủ điều kiện hưởng (các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân) là 5.715 đơn vị với 187.735 lao động.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội
Số đơn vị chưa xác định được điều kiện hưởng theo Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ là 798 đơn vị với 74.514 lao động. BHXH thành phố đang phối hợp đơn vị kiểm tra văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đơn vị sự nghiệp công được phân loại tự chủ tài chính, dự kiến 15/10/2021 sẽ xác định xong.
Giám đốc BHXH Thành phố cho biết, dự kiến tổng mức hỗ trợ gồm: Hỗ trợ giảm mức đóng BHTN cho 83.352 đơn vị, với 1.412.059 lao động tương ứng số tiền được giảm BHTN 12 tháng là 1.182 tỷ đồng (98,5 tỷ đồng/tháng). Chi hỗ trợ bằng tiền cho người lao động: ước có 83.352 đơn vị với 1.677.782 người được hưởng, trong đó đang tham gia BHTN là 1.412.059 người, đang bảo lưu BHTN là 265.723 người, với tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là 4.228 tỷ đồng.
Đối với việc giảm mức đóng BHTN, BHXH Hà Nội sẽ thực hiện giống như giảm Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và sẽ thực hiện được ngay khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
Đối với việc hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ kết dư Quỹ BHTN. Tổng số người đã giải quyết trợ cấp BHTN từ năm 2015 đến tháng 9/2021 là 314.444 trường hợp chiếm 18,7% số người dự kiến được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết.
Nhấn mạnh việc rà soát, đối chiếu dữ liệu rất quan trọng nhằm đảm bảo chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, Giám đốc BHXH Thành phố cho biết, BHXH Hà Nội sẽ tiến hành rà soát khẩn trương, sẽ huy động cán bộ, công chức, viên chức làm thêm trong hai ngày nghỉ cuối tuần, phân công rõ trách nhiệm đến từng bộ phận, cá nhân để hoàn thành tiến độ đề ra, với tinh thần đưa Nghị quyết của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, đến tay các đối tượng thụ hưởng sớm nhất.
Các mức hỗ trợ người lao động được hỗ trợ theo thời gian người lao động đã tham gia BHTN
Về công tác tuyên truyền, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, Bảo hiểm xã hội Thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền về chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động hợp tác trong triển khai thực hiện chính sách.
"Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền để người lao động nằm trong đối tượng được thụ hưởng chính sách sẵn sàng cung cấp tài khoản cá nhân để đảm bảo việc chi trả chế độ từ cơ quan BHXH được nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch", Giám đốc BHXH Thành phố Nguyễn Đức Hòa cho biết.
Theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, người lao động nên chuẩn bị một tài khoản ngân hàng cá nhân để nhận tiền hỗ trợ được nhanh chóng, thuận tiện nhất. Cụ thể, với người lao động đã có tài khoản ngân hàng cá nhân, thông tin cần cung cấp để nhận hỗ trợ là: Tên Ngân hàng mở tài khoản (bao gồm cả tên chi nhánh); số tài khoản ngân hàng; số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân được dùng để mở tài khoản ngân hàng.
Lưu ý, tên chủ tài khoản ngân hàng phải trùng với tên người nhận hỗ trợ. Số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân phải trùng với số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân dùng mở tài khoản ngân hàng của người lao động.
Với người lao động chưa có tài khoản ngân hàng, BHXH Việt Nam khuyến nghị người lao động nên mở tài khoản ngân hàng cá nhân để việc nhận hỗ trợ được nhanh chóng và chính xác nhất.
Cơ quan BHXH cũng đề nghị người lao động chuẩn bị một số điện thoại để cung cấp cho cơ quan BHXH giúp thuận tiện cho việc liên hệ giữa cơ quan BHXH và người lao động trong trường hợp cần thiết.
Khắc Nam - TTTĐ