Gian hàng rộng chưa đầy 3 m2 của chị Lâm Hồng Quế nằm ở đầu ngõ 20 phố Hàng Chiếu, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội chuyên bán các loại bỏng được nổ từ ngô, gạo, đỗ.
Chuẩn bị cho lễ cúng Rằm tháng 7, nhiều người dân Hà Nội đã tìm đến những gian hàng bỏng ngô trên phố Hàng Chiếu để mua bỏng, vốn là thứ đồ lễ tuy không nhiều tiền nhưng chẳng thể thiếu.
Một vị khách đến mua số lượng lớn bỏng cúng tại quầy hàng của chị Quế
Theo chị Quế, mặt hàng bỏng được bán quanh năm nhưng đắt hàng vào các dịp lễ tết, đặc biệt là Rằm tháng 7. Từ đầu tháng 7 âm lịch đến nay, mỗi ngày cửa hàng của chị đón hàng trăm lượt khách đến mua hàng.
Chị Lâm Hồng Quế chia sẻ: “Bây giờ ít người bán bỏng nên khách hàng khắp Hà Nội tập trung nhiều lên phố Hàng Chiếu để mua. Mỗi ngày, tôi dọn hàng bán từ sáng sớm đến tối muộn thu lãi được khoảng hơn 1 triệu đồng có ngày được 2 triệu”.
Chị Quế nhập các mặt hàng bỏng này từ khắp nơi như Hà Đông, Hải Dương, Hưng Yên, Hoài Đức,… rồi về đóng gói gọn gàng, mỗi loại một ít sao cho đủ màu sắc để bán cho người dân mua cúng Rằm. Mỗi gói bỏng tại gian hàng của chị dao động từ 5.000 - 20.000 đồng.
“Từ 1/7 đến nay, tôi bán không kịp, nhất là vào các ngày cuối tuần người dân được nghỉ ở nhà nên làm lễ đông. Mấy hôm nay, tôi phải gọi em gái lên phụ giúp bán hàng” - chị Quế cho biết thêm.
Cũng theo chị Lâm Hồng Quế, nghề bán bỏng được mẹ chồng chị truyền lại từ nhiều năm nay, thu nhập tháng ít thì được 7-8 triệu đồng, tháng cao điểm thu nhập cả vài chục triệu đồng.
Quầy hàng rộng chưa đầy 3m vuông tiếp hàng trăm lượt khách mỗi ngày
Cùng bán bỏng trên phố Hàng Chiếu, chị Trần Thu Hà chia sẻ: “Mặt hàng này bán được quanh năm, mùa đông nhiều người mua về để ăn nên bán được nhiều hơn. Ngày bình thường, tôi bán được 300.000 - 400.000 đồng, ngày cao điểm được hơn 1 triệu đồng”.
Không chỉ bán lẻ, chị Hà còn cung cấp hàng cho nhiều người bán rong trên khắp Hà Nội. Với hàng chục loại bỏng khác nhau, thế nhưng gian hàng được chị Hà sắp xếp rất ngăn nắp, khoa học. Khách mua chỉ cần bảo cần loại gì, ngay lập tức chị đưa cho khách loại ấy.
Tại quầy bán bỏng của chị Hà cũng liên tục có khách
“Bỏng có mức giá rẻ, khách dễ mua và mua nhanh không mặc cả nên mình cũng dễ bán”- chị Hà cho biết thêm.
Cầm trên tay túi bỏng hàng chục món với giá chưa đến 30.000 đồng, bà Lê Thị Tâm ở phố Hàng Bài, Hoàn Kiếm Hà Nội cho biết: “Nhiều năm nay, cứ đến dịp Rằm tháng 7 hay lễ tết, tôi lại sang đây mua bỏng về đặt lên mâm lễ. Cách đây 10 năm thì chỉ cần 5.000 đồng là đủ bỏng lễ, bây giờ phải cần đến 30.000 đồng nhưng vẫn rẻ”.
Bỏng nổ được cho là thứ không thể thiếu trong lễ cúng Rằm tháng 7, cũng không ít người thích thú mua món quà vặt xa xưa khá phổ biến trên khắp các làng quê Việt Nam.
Chị Hoàng Thanh Thúy ở Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội cùng con gái đi dạo phố ngày cuối tuần ghé qua phố Hàng Chiếu để mua cho mình 1 túi bỏng ngô.
Bỏng cúng được đóng gói sẵn với nhiều loại khác nhau
Chị Thúy chia sẻ: “Mỗi lần qua đây, tôi đều ghé mua một ít bỏng ngô. Thức quà này vừa ngon, rẻ lại an toàn vì không có chất hóa học, đồng thời cũng gợi nhớ ký ức tuổi thơ. Các con của tôi cũng rất thích thức quà này”.
Theo chị Quế, chị Hà và một số người bán bỏng khác, năm nay do tác động của dịch Covid-19 nên nhiều hộ gia đình không làm lễ to, một số khác ngại ra đường mua sắm nên mặt hàng này cũng giảm đáng kể so với mọi năm.
Một số hình ảnh về công việc bán bỏng ngô dịp Rằm tháng 7.
Nhiều khách hàng đến mua bỏng về ăn
Giờ đây còn rất ít người làm nghề bán bỏng
Những túi bỏng được xếp ngăn lắp và khoa học
Kho hàng của chị Quế có hàng chục loại bỏng khác nhau
Phạm Công - Theo Dân Trí