Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021, của Chính phủ (Nghị quyết số 68/NQ-CP) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7/7/2021, của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg) trên địa bàn Thành phố.
Trao hỗ trợ an sinh cho người lao động khó khăn tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm
Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, trong quá trình triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, các ngành, địa phương đã gặp một số khó khăn, vướng mắc xuất phát từ thực tiễn. Các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan đã thường xuyên trao đổi dưới nhiều cách thức như qua nhóm Zalo, điện thoại hoặc có văn bản để hướng dẫn, tháo gỡ.
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng đã chủ động nắm bắt những thông tin, khó khăn, vướng mắc của các quận, huyện, thị xã trong quá trình tổ chức thực hiện. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Sở, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ trao đổi, hướng dẫn, bên cạnh đó còn có những nội dung vượt thẩm quyền.
Cụ thể, về chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định rõ: Người lao động được hỗ trợ khi thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điều 17). Trong thành phần hồ sơ giải quyết chế độ người lao động ngừng việc phải có “Bản sao văn bản yêu cầu cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021” (điều 19).
Tuy nhiên, trên thực tế, người lao động trong các khu vực phong tỏa (tòa nhà, khu dân cư) không được nhận quyết định phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc cung cấp bản sao để giải quyết chế độ gặp nhiều khó khăn.
Về hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ hỗ trợ cho đối tượng F1 đã hoàn thành cách ly, tại khoản 4, điều 27 của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định, hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với F1 đã kết thúc cách ly gồm 4 loại giấy tờ, trong đó có “Biên nhận thu tiền ăn của cơ sở cách ly”. Nhưng trên thực tế, đa số đối tượng F1 không có giấy biên nhận thu tiền ăn (cơ sở cách ly không cấp hoặc đã cấp nhưng đánh mất hoặc chuyển khoản chung cả nhóm). Vì vậy, nhiều quận, huyện không thu được hồ sơ, hoặc có rất ít hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Với chính sách vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, điều 38 của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định, người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn. Tuy nhiên, việc quyết toán thuế đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động thì để hoàn thành quyết toán cần thời gian khá dài.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội như hiện nay, việc quyết toán thuế của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện này, dẫn đến số doanh nghiệp được vay vốn trả lương còn thấp.
Trao hỗ trợ an sinh cho người lao động khó khăn ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông
Về đối tượng hỗ trợ, tại điểm 4, điểm 6, mục II của Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định, người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được hưởng chính sách hỗ trợ khi tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp). Điều này đồng nghĩa, những người lao động làm việc tại hộ kinh doanh và các loại hình sản xuất kinh doanh khác phải tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động, do tác động bởi dịch Covid-19, nếu đủ điều kiện theo quy định cũng không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Thêm vào đó, trên thực tế, nhiều người lao động chưa ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội nhưng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Vì thế, một bộ phận người lao động không đủ điều kiện để nhận được gói hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, người lao động không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm làm việc tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các đơn vị khác không phải là đối tượng đặc thù của từng địa phương, mà chung của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Vì thế, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đề nghị bổ sung đối tượng nêu trên được hưởng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; đồng thời quy định về điều kiện được hưởng và trình tự thủ tục để áp dụng trong toàn quốc...
Trước những vướng mắc xuất phát từ thực tiễn này, Sở LĐ-TB&XH đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn tháo gỡ và tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét tháo gỡ, tạo điều kiện để các địa phương đưa nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội đến các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, kịp thời.
Được biết, tính đến 16h ngày 26/8, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã ra quyết định hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với kinh phí 291,91 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện được 251,6 tỷ đồng).
Toàn Thành phố đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 9 nhóm trong số 12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68 và Quyết định 23, còn 3 nhóm chưa có kết quả phê duyệt hỗ trợ do chưa nhận được hồ sơ của đối tượng: (1)Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; (2)Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; (3)Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật.
Phạm Diệp - LĐTĐ