Cầm túi bánh nóng hổi trên tay, chị Linh Hương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị vừa mua 10 chiếc bánh chưng gù Hà Giang với giá 25.000 đồng/chiếc. Đây là dòng bánh mà 2 bé nhà chị rất thích nên chị thường mua về cho con ăn sáng, ăn trưa. Do bánh có trọng lượng khá nhỏ, chỉ khoảng 100 - 200gram nên khá phù hợp với khẩu phần ăn của 1 người.
"Bánh có kích thước nhỏ nên tôi dễ dàng mang theo ở bất cứ nơi đâu. Thế nên, tôi thường bỏ vào cặp cho con ăn mỗi khi đói. Hơn nữa, do bánh chỉ có gói bằng 1 lớp lá thay vì 4 - 5 lớp như bánh truyền thống nên việc bóc bánh khá dễ dàng, các con đều có thể tự làm được" - chị chia sẻ.
Bánh chưng gù có giá bán lẻ dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/chiếc
Ngoài ra, chị Hương còn cho rằng, điểm độc đáo của bánh chưng gù là phần vỏ bánh được làm từ gạo nếp nương, ngâm với nước lá dong riềng nên có màu xanh đậm. Vỏ bánh khá mềm, dẻo do không bị nén như bánh chưng thông thường.
"Giờ bánh còn rẻ chán, chứ đến độ gần Tết muốn mua còn không có. Như năm ngoái, tôi phải mua với giá 35.000 đồng/chiếc mà còn giành nhau từng cái" - chị kể.
Vỏ bánh xanh mướt do gạo được ngâm với lá dong riềng trước khi gói
Chị Thùy Trang - một tiểu thương trên chợ mạng chia sẻ: Trung bình mỗi ngày, chị nhận đặt từ 200 - 300 chiếc bánh chưng gù. Khách đa số là dân văn phòng, bà mẹ bỉm sữa và một số quán hàng. Hiện giá bánh bán lẻ dao động 25.000 - 30.000 đồng/chiếc, giá bán buôn từ 18.000 - 22.000 đồng/chiếc.
"Ngoài lớp vỏ bắt mắt thì bánh chưng gù được người dùng ưa chuộng là bởi nguyên liệu sạch. Do phần nhân đều được làm từ thịt lợn rừng nên rất thơm ngon" - chị cho hay.
Bánh chưng gù có trọng lượng khá nhỏ, chỉ từ 100 - 200gram
Anh Mạnh Hải (Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết, so với bánh chưng thường, bánh chưng gù có hình dạng khá độc đáo, sở hữu độ cong nhẹ. Theo tiết lộ, mỗi ngày, anh bán ra thị trường 400 - 500 chiếc bánh, thu về cả triệu đồng tiền lãi.
Tuy nhiên, theo anh Hải, do bánh chưng gù được gói lỏng tay, dẫn đến lớp vỏ ngoài hơi nhão nên khó bảo quản. Thông thường, bánh sẽ được ăn ngay hoặc cùng lắm để trong 2 -3 ngày. Nếu để lâu quá, bánh sẽ bị sượng và hơi cứng.
"Thế nên, lấy bánh ngày nào, tôi bán hết luôn ngày đó, ít khi để hàng tồn kho. Ai muốn lấy số lượng lớn phải báo trước vài ngày, để tôi còn báo xưởng trên Hà Giang chuẩn bị" - anh tâm sự.
Anh Hải cho biết, như đợt Tết năm ngoái, cửa hàng anh phải đóng cửa, từ chối khách do lượng đơn hàng quá tải.
An Chi - Theo Dân Trí