Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn tham luận tại hội nghị.
Triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trong năm 2021, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ quyết định đầu tư trên địa bàn thành phố, như: Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông; 6 nhánh lên xuống cầu cạn Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long).
Cùng với đó, Hà Nội đã chủ động phối hợp với 4 tỉnh: Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc để thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án đầu tư, hình thức đầu tư cũng như một số cơ chế, chính sách liên quan đến tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đến nay, các địa phương đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đang được Hội đồng thẩm định cấp nhà nước thẩm định làm cơ sở trình Quốc hội xem xét thông qua.
Hà Nội đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải lập, trình thẩm định phê duyệt 4/4 đồ án quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, mạng lưới đường sắt, phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Đồng thời, hoàn thành nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung của thành phố, nổi bật như: Nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đang thi công xây dựng các công trình: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc...
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang phát huy hiệu quả cao.
Phát triển hạ tầng giao thông khung tiếp tục là khâu đột phá
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định “Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô”.
Trong thời gian tới, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô sẽ tập trung vào các nội dung sau:
Một là rà soát, đánh giá để điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội; rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông bảo đảm phù hợp với 4 đồ án quy hoạch ngành quốc gia do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì lập, có liên quan đến Hà Nội.
Hai là đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên) và kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành thuộc vùng Thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm, đường vành đai và các cầu vượt sông. Trong đó, tuyến Vành đai 4 được hình thành sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho Vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải.
Ba là các nút giao thông trọng điểm giao cắt giữa đường hướng tâm và đường vành đai, các nút giao thông trọng yếu và các tuyến đường trục chính đô thị, liên khu vực, có tính kết nối.
Bốn là hoàn thành đầu tư đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông của 5 huyện theo đề án thành lập quận trong thời gian tới, từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối cho các địa phương còn khó khăn về giao thông, phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Năm là tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện mạng lưới bến xe khách liên tỉnh khu vực Vành đai 4 theo quy hoạch, như: Bến xe khách Phùng (huyện Đan Phượng), Bến xe khách phía Tây (huyện Hoài Đức), Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Bến xe phía Nam (huyện Thường Tín). Đây là các đầu mối giao thông quan trọng của khu vực đô thị trung tâm kết nối các địa phương và tỉnh, thành trong cả nước.
Sáu là tiếp tục hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; khởi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc (do thành phố đầu tư); tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (chuyển giao về thành phố chuẩn bị đầu tư); đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại, làm cơ sở khởi công trong giai đoạn 2025-2030.
Tuấn Lương - Hà Nội mới