Theo báo cáo tại lễ ra quân, kể từ sau Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức vào tháng 12/2015 đến nay, đã có gần 3.500 mô hình, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường đã được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương trong toàn thành phố; Nổi bật như các phong trào: “Cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường”; “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo”; “Hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự”; “Giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa”…
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung phát biểu tại Lễ ra quân
Những phong trào nêu trên đã tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội, góp phần vào nỗ lực quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện, phục hồi các chỉ số thành phần chất lượng môi trường, chủ động thích ứng trước biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Lễ ra quân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung mong muốn, đại diện lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục phát huy vai trò trong các hoạt động, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng tín đồ, tổ chức tôn giáo.
Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến cộng đồng giáo dân, cộng đồng phật tử tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và mỗi vùng miền; Trong đó, cần chú trọng phát hiện và nhân rộng các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phục vụ tái chế, tái sử dụng; hạn chế tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Các đại biểu trồng cây tại khuôn viên chùa Trăm gian (Chương Mỹ, Hà Nội)
Đặc biệt, các tổ chức cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự Hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới và Tháng hành động vì môi trường.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội mong muốn truyền tải một số nội dung, thông điệp và thực hiện các hoạt động hưởng ứng. Cụ thể, chính quyền các cấp cần rà soát hệ thống các văn bản về công tác quản lý tài nguyên, môi trường, các để án, chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các ngành, đơn vị, cụ thể hoá thành những việc làm cụ thể; Đồng thời đưa ra những giải pháp bền vững, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền để mọi tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tham gia.
Các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện các quy định của Luật bảo vệ tài nguyên môi trường năm 2020, các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân; Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; Xây dựng lộ trình trong việc phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn.
Diệu Linh - TTTĐ