Hà Nội sẽ xét tuyển vào viên chức 2.034 giáo viên hợp đồng

09/06/2020 21:38

Kinhte&Xahoi UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch xét tuyển viên chức...

Tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 9/6, Giám đốc Sở Nội vụ TP Vũ Thu Hà cho biết, UBND TP cùng ngày đã ban hành Quyết định số 2362/QĐ-UBND phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch xét tuyển viên chức đối với giáo viên có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Theo đó, bà Hà cho hay, thực hiện văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Nội vụ phối hợp cùng Sở Giáo dục và đào tạo rà soát, triển khai nội dung này.

TP đã có chỉ đạo về việc sau kỳ thi tuyển 2019, năm 2020, TP sẽ tiến hành xét tuyển với các giáo viên ký hợp đồng từ năm 2015 trở về trước, sau khi xét tuyển sẽ tiến hành thi tuyển các chỉ tiêu còn lại.

Để thực hiện nội dung này, Sở Nội vụ đã ban hành các văn bản để hướng dẫn các quận, huyện, thị xã rà soát các trường hợp đủ điều kiện để được xét tuyển theo văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ; kiểm duyệt các hồ sơ để tránh trường hợp nhầm lẫn đối tượng không phù hợp theo hướng dẫn.

Sở cũng đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã công khai các trường hợp đủ điều kiện được xét tuyển ở tại các đơn vị.

Việc rà soát và công khai các trường hợp được thực hiện từ tháng 1 đến cuối tháng 3. Sau tổng hợp danh sách các trường hợp đủ điều kiện, số lượng đủ điều kiện là 2.034 trường hợp.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, để tổ chức kỳ xét tuyển đặc cách theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ với nhóm đối tượng này là cần rà soát đảm bảo chỉ tiêu đủ điều kiện xét tuyển.

Bà Hà nói rõ thêm, đối với các kỳ thi thông thường, số lượng chỉ tiêu thiếu bao nhiêu, kế hoạch tuyển dụng công khai, các trường hợp đủ điều kiện tiêu chí thì dự thi và có cạnh tranh.

Như vậy, có thể thiếu một chỉ tiêu nhưng nhiều trường hợp cùng đăng ký. Khi thi, trường hợp nào điểm cao nhất, đáp ứng yêu cầu thì trúng tuyển. Nhưng với nhóm đối tượng xét tuyển đặc cách theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ là xét tuyển có ưu tiên, tạo điều kiện cho các thí sinh được đặc cách có chỉ tiêu.

Vì vậy, với 2.034 trường hợp, Sở đã rà soát số chỉ tiêu còn thiếu ở 3 cấp học mầm non, tiểu học và Trung học cơ sở.

Kết quả, năm 2020, chỉ tiêu của toàn bộ 3 cấp học còn thiếu là 5.125 chỉ tiêu. Số giáo viên cần xét tuyển đặc cách là 2.034. Như vậy, tổng chỉ tiêu nhiều hơn số giáo viên cần tuyển.

Để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên và thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Sở đã báo cáo TP và được sự thống nhất của Thường trực HĐND cho bổ sung 224 chỉ tiêu cho 4 môn trên từ quỹ dự phòng trong nguồn biên chế dự trữ của TP.

Như vậy, toàn bộ số chỉ tiêu được bổ sung sẽ là 5.349, đảm bảo chỉ tiêu cho số 2.034 giáo viên có hợp đồng có đủ điều kiện.

Sau khi TP ban hành quyết định, dự kiến, ngày 10/6, Sở Nội vụ sẽ triển khai toàn bộ các bước tiếp theo đến các quận, huyện để bắt đầu triển khai xét tuyển các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Để đảm bảo không có quá nhiều thí sinh đăng ký vào một chỉ tiêu, Sở sẽ công khai danh sách đăng ký vào cuối mỗi ngày, trên cơ sở đó, các thí sinh sẽ lựa chọn, đăng ký vào những chỉ tiêu phù hợp và không phải cạnh tranh. Trong vòng 1 tháng tiếp nhận, mỗi thí sinh được 2 lần thay đổi nguyện vọng đăng ký.

Đến hết ngày 12/7/2020, Sở sẽ công khai danh sách thí sinh dự xét tuyển; tiến hành kiểm tra hồ sơ trên phiếu đăng ký, xét lần 1 và xét thực hành, kiểm tra năng lực lần 2. Dự kiến, toàn bộ việc xét tuyển sẽ xong trước 31/7/2020.

Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định việc xét tuyển sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy đinh. Sau khi hoàn thành việc xét tuyển, TP sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên đối với số chỉ tiêu còn thiếu.

 Mai Mai


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhiều đánh giá tích cực sau đợt khảo sát trực tuyến học sinh lớp 12 ở Hà Nội

Cuối tháng 5, hơn 74.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tham gia kiểm tra khảo sát chất lượng bằng hình thức trực tuyến. Đây là đợt khảo sát đầu tiên trong tổng số 3 đợt mà Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức trong năm 2020. Đợt khảo sát đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phụ huynh và học sinh.

Định vị cho nông sản Thủ đô

Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị trí, giá trị của nông sản trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Để định hình vị thế cho nông sản Thủ đô, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu phải trở thành chiến lược phát triển chung, từ đó nâng cao chuỗi giá trị và có thể đứng vững trên thị trường trong nước, quốc tế.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-se-xet-tuyen-vao-vien-chuc-2034-giao-vien-hop-dong-d126623.html