Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày: Người dân ủng hộ và tin tưởng thành phố sớm khống chế được dịch
Kinhte&Xahoi
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chiều 6/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 18 về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố đến 6h ngày 23/8. Dù việc giãn cách khiến đời sống gặp nhiều khó khăn nhưng hầu hết người dân Thủ đô đều đồng tình với quyết định này. Bởi ai cũng hiểu rằng, đó là quyết định đúng đắn và chỉ có việc chấp hành nghiêm mới mong ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Chiều nay, ngay khi báo chí đăng tải thông tin, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội, không giống như 14 ngày trước đó, trong hai ngày đầu, nhiều người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ thì bây giờ đón nhận và tuân thủ chủ trương một cách bình tĩnh và cho đó là một quyết định sáng suốt.
Đoàn viên, thanh niên phường Mai Động góp phần bảo vệ "vùng xanh" không Covid-19
Chị Lê Thị Nguyên (ở quận Long Biên, Hà Nội) đăng tải trên Facebook cá nhân: “Thêm 15 ngày nữa các bác ạ nên cố gắng nâng cao sức đề kháng nhé…”.
Nhiều người còn lên kế hoạch công việc cụ thể trong những ngày Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội. Chị Lý Minh Tâm (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, chị đã vạch ra kế hoạch, mục tiêu và hành động trong những ngày sắp tới, đồng thời kêu gọi mọi người cùng lạc quan, tích cực, bình tĩnh sống với đại dịch.
Anh Nguyễn Hải Anh, làm nghề lái taxi cho biết, theo công điện của UBND TP Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày để phòng chống dịch, anh sẽ phải dừng hoạt động tiếp để bảo đảm tốt nhất cho phòng chống dịch, tránh lây lan ra cộng đồng. Anh Hải Anh cho rằng đây là chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thành phố, cần thiết trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay. Anh rất tin tưởng với quyết sách đúng đắn này của chính quyền thành phố, sau 2 tuần nữa Hà Nội sẽ khống chế được dịch bệnh.
Ghi nhận tại một số siêu thị và chợ truyền thống chiều 6/8, không còn tình trạng tích trữ hàng hóa, bởi đúng như những gì chính quyền cam kết, hàng hóa vẫn đảm bảo và dồi dào. Từ các loại hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mì gói, đường, sữa đến các loại nông sản, hải sản, thực phẩm… Người dân được phát phiếu đi chợ 3 lần/tuần, hạn chế ra khỏi nhà và yêu cầu không ra khỏi nhà sau 18 giờ.
Người dân bình tĩnh mua sắm tại siêu thị
Tưởng sẽ rất khó khăn để chấp nhận việc phải ở trong nhà, từ bỏ những thói quen hàng ngày, trong đó có nhiều người phải tạm dừng nhu cầu của bản thân như tập thể dục, cà phê sáng, vui chơi sau một ngày làm việc… Ngược lại không, người dân bảo nhau tập "sống chậm".
Trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, nhiều người đổi ảnh đại diện thành những hình ảnh ủng hộ và đồng hành với chủ trương giãn cách xã hội, chung tay phòng chống dịch bệnh. Theo đó, mọi người đăng tải những hoạt động lành mạnh tại gia đình, khoe hình chăm sóc hoa kiểng, trồng rau tại nhà, những bữa cơm ấm áp yêu thương khi có đầy đủ các thành viên trong gia đình... Điều mà trước đây, với sự ồn ào, bận rộn của cuộc sống, nhiều gia đình đã không có được.
Chị Trần Thu Hải (ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thì đăng tải hình ảnh cả gia đình vui cười bên nhau và kêu gọi mọi người “Ở nhà là yêu nước”.
Người dân bình tĩnh mua sắm tại siêu thị
Có thể thấy, càng khó khăn thì càng nhận rõ sự đồng lòng, chung sức của người dân. Trong đó, ý thức là một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều nhất lúc này. Người dân không ai bảo ai nhưng tất cả đều chấp hành nghiêm quy định về việc hạn chế ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết.
Hưởng ứng tối đa lời kêu gọi của chính quyền “Ai ở đâu tiếp tục ở yên đó”, rất nhiều gia đình, bậc cha mẹ cũng đã nén nỗi lòng riêng, động viên người thân, con cháu hãy ở yên, không về quê để cùng nhau phòng, chống dịch.
Lực lượng chức năng phường Hàng Đào trực chốt chống dịch
Ở các khu phố, ngõ xóm, người dân không chỉ tăng cường ý thức bản thân mà còn rất quan tâm đến ý thức cộng đồng. Không chỉ trong các siêu thị, cửa hàng lớn mà ở những nơi mua bán nhỏ lẻ, người ta cũng cẩn thận để những chai nước sát khuẩn trước cửa tiệm, khuyến khích khách hàng thực hiện “5K” thì mới tiếp xúc, mua bán.
Người dân cũng trở thành những “tai mắt” của chính quyền, để kịp thời phát hiện nếu có người lạ xuất hiện ở khu vực mình sinh sống, đề phòng trường hợp có người trốn về từ vùng dịch mà không thực hiện khai báo y tế, cách ly theo quy định.
Không những vậy, tình đoàn kết, chia sẻ yêu thương nhau chưa bao giờ trở nên mạnh mẽ như lúc này. Chị Đặng Thị Nga (làm nghề tự do tại Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, do thực hiện giãn cách xã hội nên chị không đi làm được. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình vẫn ổn. Anh, chị trong gia đình thương nên hay mang đồ ăn sang cho. Nhiều khi thiếu đồ, lại không đúng ngày được phát phiếu đi chợ nên xung quanh hàng xóm, ai có gì cùng nhau chia sẻ, từ quả chanh, mắm muối, bát gạo đến tiền mặt...
Những con người với những tấm lòng thơm thảo như thế lại có dịp gần gũi nhau hơn. Đó là những gam màu tươi sáng, là niềm tin yêu, hy vọng để lan tỏa yêu thương. Đồng thời cũng là động lực để tất cả chúng ta vượt qua đại dịch.
Trí Nhân - TTTĐ