Các doanh nghiệp ở Hà Nội vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
- Xin ông cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có bao nhiêu lao động là người nước ngoài được cấp phép làm việc?
- Từ năm 2018 đến nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép cho khoảng 23.000 lao động là người nước ngoài làm việc tại Hà Nội, chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao. Trong số lao động được cấp phép, lao động đến từ Hàn Quốc chiếm hơn 40%, tương ứng gần 10.000 người; tiếp đến là lao động đến từ Nhật Bản với khoảng hơn 5.000 người; lao động đến từ Trung Quốc có hơn 1.000 người... Lao động là người nước ngoài cư trú nhiều ở các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân…
Trên thực tế, số lao động người nước ngoài đang làm việc có thể biến động so với số lượng được cấp giấy phép, bởi có những người về nước nghỉ Tết, nghỉ phép chưa trở lại hoặc có những người vừa hết hạn giấy phép lao động.
- Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ người lao động, thưa ông?
- Từ cuối tháng 1-2020, Sở đã rà soát, thống kê chi tiết các thông tin liên quan về người lao động đến từ Trung Quốc; đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nhóm lao động này thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến nghị của ngành Y tế. Sở cũng thành lập đoàn kiểm tra, đến các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người nước ngoài để đôn đốc, hướng dẫn họ giữ gìn an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ có dịch; yêu cầu đưa người lao động thuộc nhóm có nguy cơ cao đi cách ly, theo dõi.
Trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục thống kê số lao động là người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn thành phố, làm cơ sở cho các ngành, địa phương hướng dẫn người lao động chủ động phòng, chống dịch. Dự kiến, thông tin chi tiết về người lao động nước ngoài đang làm việc tại Hà Nội sẽ được gửi về các quận, huyện, thị xã vào ngày 26-2.
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài đến từ vùng có dịch rà soát, báo cáo rõ các thông tin liên quan đến người lao động, qua đó sẽ sàng lọc, khoanh vùng những người có nguy cơ nhiễm Covid-19 để tổ chức cách ly, theo dõi nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động và những người xung quanh. Căn cứ vào kết quả rà soát của doanh nghiệp, Sở sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế trong những ngày tới.
- Với người lao động ở Hà Nội đi làm việc tại những nước có dịch Covid-19, các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ họ như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, các cơ quan chức năng tiếp tục khuyến nghị người lao động đang làm việc tại các vùng có dịch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại.
Sở đã thống kê danh sách 1.058 người đang làm việc tại Hàn Quốc. Sở đã gửi danh sách về các quận, huyện, thị xã và đề nghị các địa phương tuyên truyền cho các gia đình liên hệ với người thân đến các cơ quan chức năng, cơ sở y tế tại Hàn Quốc để nhận được sự hỗ trợ.
- Xin ông cho biết, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã có giải pháp gì để ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao khi phải tạm dừng tiếp nhận lao động đến từ các nước có dịch Covid-19?
- Sở đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ở thời điểm này. Tất nhiên, lực lượng lao động sẵn sàng cung ứng không thể đáp ứng tốt các tiêu chí, tiêu chuẩn do doanh nghiệp đưa ra, nhưng đó là giải pháp quan trọng nhằm bổ sung lực lượng lao động thiếu hụt.
Cùng với đó, Sở tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm lực lượng lao động thay thế tạm thời. Nhìn chung, đến thời điểm này, lực lượng lao động tại các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài chưa có nhiều biến động; đại đa số doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh.
- Trân trọng cảm ơn ông!