Sản xuất thép tại Công ty Hoàng Vũ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Chiến Công
Sản xuất công nghiệp, bán lẻ từng bước tái khởi động
Thời gian qua, các cơ sở sản xuất công nghiệp đã cơ bản trở lại hoạt động bình thường. Tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhiều DN đã khởi sắc hơn những tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội trong tháng 7 tăng 4,9% so với tháng 6 và lũy kế 7 tháng đã tăng 4%. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng 96,5% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) tăng 3,8%, sản xuất và phân phối điện tăng 6,3%, cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 5,6%... Tuy nhiên, do tác động từ dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng của TP là 8,3 tỷ USD, nhập khẩu là 16,3 tỷ USD, tương ứng giảm 7,6% và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến Hà Nội trong 7 tháng chỉ đạt 6,13 triệu lượt, giảm đến 63,3% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong tháng ước đạt 51.100 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 319.500 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. |
Dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, ảnh hưởng mạnh tới thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 7, thu ngân sách trên địa bàn TP ước thực hiện 16.000 tỷ đồng, giảm 40,6% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 7 tháng năm 2020, tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 134.000 tỷ đồng, đạt 51,5% dự toán pháp lệnh năm 2020 và giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Để thu hút đầu tư, TP đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” (ngày 27/6) ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức, DN, nhà đầu tư… Từ đầu năm đến ngày 22/7/2020, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI cấp phép mới và dự án bổ sung vốn đạt 1.632 triệu USD. TP có 14.798 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký là 203.000 tỷ đồng, nâng tổng số DN hoạt động trên địa bàn lên con số 293.121.
Tháo gỡ cho DN, thúc đẩy đầu tư công
Tháng 8 và các tháng cuối năm, dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới cũng như Việt Nam với số ca mắc liên tục ghi nhận ngoài cộng đồng trong thời gian ngắn, thêm vào đó vi rút SARS-CoV-2 biến chủng khó lường. Để thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội”, UBND TP ban hành và triển khai Kế hoạch số 144/KH-UBND về Chương trình hành động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, TP đã thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Tập trung thực hiện quyết liệt một số giải pháp trong quản lý đầu tư, xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội tháng 7 ước tính đạt 4.453 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 7 tháng thực hiện được 22.100 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 48,6% kế hoạch vốn năm 2020.
Mặt khác, TP cũng cơ cấu cân đối nguồn lực để ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng tâm, hạ tầng các huyện xa trung tâm và tập trung rà soát công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục đẩy nhanh các dự án, bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020.
Về bù đắp các khoản hụt thu, TP yêu cầu tăng cường phối hợp giữa cơ quan thuế với các sở, ngành, địa phương trong thu hồi nợ thuế, rà soát các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như thương mại điện tử, viễn thông, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng bất động sản...
TP tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết… Trong kế hoạch, Hà Nội cũng triển khai đánh giá thực tiễn tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thu ngân sách Nhà nước, các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có giải pháp chủ động trong điều hành nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức.
Trâm Anh - Theo KTĐT