Tổng kiểm tra, rà soát hơn 1.400 quán karaoke, bar, vũ trường
Ngày 12/9, diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2021 của Chính phủ quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố - Trung tướng Nguyễn Hải Trung.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Phát biểu tham luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, ngay sau khi nhận được Công điện số 792/CĐ-TTg ngày 7/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã ban hành công điện tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn; Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đã chỉ đạo thực hiện trên toàn thành phố.
Theo đó, thành phố hoàn thành việc tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường (thành phố có trên 1.400 quán bar, vũ trường)…; Xử lý nghiêm, triệt để tất các vi phạm, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; Giám sát chặt chẽ các cơ sở đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không đủ điều kiện về PCCC theo quy định (đã đình chỉ 326 trường hợp). TP yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra vi phạm.
Đối với những cơ sở kinh doanh trong thời gian sửa chữa, thành phố kiên quyết yêu cầu chủ hộ kinh doanh không được hoạt động để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản như thời gian vừa qua.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.437 công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng; 9 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp; 5.311 khu dân cư, trong đó có 438 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao.
Huy động lực lượng dân phòng trong công tác PCCC
Từ thực tế cho thấy vai trò của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại địa phương là rất quan trọng. Vì thế, việc đầu tư và hoạt động hiệu quả của lực lượng này góp phần giảm thiểu số vụ cháy xảy ra, kịp thời dập tắt các đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tham luận tại điểm cầu Hà Nội
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho biết, hiện thành phố đã xây dựng và thành lập 5.362 đội dân phòng ở toàn bộ 5.362 thôn, tổ dân phố với tổng số 46.101 đội viên đội dân phòng; mỗi đội dân phòng được bố trí 1 đội trưởng, 1-2 đội phó tùy theo số lượng thành viên. Về cơ bản, các đội dân phòng đều đã được trang bị phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ ban đầu như: Bình chữa cháy, đèn pin, búa, rìu, xà beng, búa tạ…
Tuy nhiên, đồng chí Lê Hồng Sơn cũng cho biết, một số đơn vị chưa trang bị đầy đủ theo quy định của Chính phủ, Bộ Công an, nhất là về trang phục chữa cháy (quần áo, găng tay, mũ, ủng, mặt nạ phòng độc…). Hiện, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, trang bị bổ sung bảo đảm theo quy định. Hằng năm, lực lượng dân phòng đều được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Căn cứ nghị định của Chính phủ, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Cụ thể, với đội trưởng là 30% và đội phó là 25% mức lương tối thiểu vùng; Đối với đội viên đội dân phòng, các chế độ chính sách được chi trả khi tham gia huấn luyện, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của Chính phủ.
Đánh giá về thực trạng hoạt động và tính hiệu quả của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô, đồng chí Lê Hồng Sơn cho rằng bước đầu đã phát huy được tính hiệu quả nhất định. Đây là "cánh tay" nối dài của UBND và công an cấp xã trong công tác bảo đảm an toàn về PCCC tại địa phương. Lực lượng dân phòng phối hợp, hỗ trợ lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ hướng dẫn được người dân thoát nạn, thoát hiểm trong những vụ việc đơn giản; di chuyển và bảo vệ tài sản, an ninh trật tự phục vụ công tác chữa cháy.
Về giải pháp xây dựng lực lượng dân phòng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố thời gian tới, đồng chí Lê Hồng Sơn thông tin, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, TP xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Cụ thể, Hà Nội rà soát, kiện toàn về lực lượng dân phòng; Bổ sung ngay những điều kiện cần thiết về trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân, nơi làm việc và chế độ, chính sách cho thành viên đội dân phòng trong hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ. TP tăng cường huấn luyện, đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng bảo đảm đáp ứng yêu cầu để xử lý các tình huống cháy nổ, sự cố, tai nạn trong giai đoạn ban đầu.
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, đồng chí Lê Hồng Sơn kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để có cơ chế huy động các lực lượng quần chúng, lực lượng bán chuyên trách tham gia công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ được rộng rãi hơn, đông đảo hơn.
Bên cạnh đó, thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 83/2017/NĐ-CP và các thông tư, hướng dẫn của Bộ Công an về công tác cứu nạn, cứu hộ để nâng cao hiệu quả công tác này phù hợp với mô hình mới sau khi sáp nhập cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ vào công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ánh Dương - TTTĐ