Cảnh báo nguy hiểm tại một chung cư ở Hà Nội.
Theo đó, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, tài sản tại các nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận Ba Đình, Đống Đa khẩn trương hoàn thành di dời người dân, tài sản ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D (cấp nguy hiểm cao nhất).
UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, phân loại và lập danh mục chung cư cũ; hướng dẫn các chủ sở hữu, chủ sử dụng sửa chữa, bảo trì theo quy định và tổ chức di dời, tạm cư đối với các nhà nguy hiểm trên địa bàn do mình quản lý.
Việc cải tạo, bảo trì, sửa chữa bảo đảm an toàn công trình nhà chung cư theo quy định tại Điều 86, Điều 87 Luật Nhà ở 2014. Việc xử lý các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, công trình hết thời hạn sử dụng, phá dỡ công trình thực hiện theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954. Mật độ xây dựng hầu hết đã tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần. Tuy nhiên, Sau 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ nát được cải tạo, sửa chữa trên tổng số hơn 1.500 căn chung cư cũ nát của thành phố.
(https://petrotimes.vn/ha-noi-yeu-cau-di-doi-nguoi-dan-tai-san-khoi-chung-cu-cu-nguy-hiem-614293.html)
Xuân Hinh - Theo petrotimes.vn