Cụ thể hoá Nghị quyết 4 trụ cột
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Trước sự quan tâm của đại biểu và cử tri tỉnh nhà đối với sự phát triển của Hậu Giang trong thời gian tới. Phát biểu tại phiên chất vấn, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định; Tỉnh ta đã thực hiện quyết liệt và kiểm soát có hiệu quả tình hình dịch bệnh theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tập trung tháo gỡ khó khăn, kịp thời, phù hợp, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh, thực hiện lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế.
Trong khoảng 1 tháng còn lại của năm nay, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nỗ lực thực hiện đạt ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021. Ngay từ bây giờ, quyết tâm đưa kinh tế - xã hội tỉnh vươn lên theo Nghị quyết 4 trụ cột về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang được thể hiện bằng nhiều giải pháp.
Ngay trong tháng này, UBND tỉnh sẽ ban hành các văn bản quan trọng để triển khai thực hiện cho năm 2022 và các năm tiếp theo, như: Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang đến năm 2025. Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Về 4 trụ cột kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh, Đồng Văn Thanh nhấn mạnh: Mặc dù có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nhưng quá trình triển khai là khâu yếu, dẫn đến kết quả đạt được chưa cao. Trong thời gian tới, tỉnh khắc phục những hạn chế này và phát triển nông nghiệp toàn diện trên quan điểm tập trung đất đai nhưng nông dân vẫn là chủ thể, xây dựng các khu nông nghiệp tập trung, đa giá trị. Đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi; phát triển nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao; thu hút các dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Ở lĩnh vực công nghiệp, tỉnh sẽ sớm triển khai hỗ trợ kịp thời các chính sách của nhà nước để doanh nghiệp sớm phục hồi và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh Báo HG
Những thách thức về tăng trưởng kinh tế năm 2022
Theo số liệu báo cáo, trong năm 2021, Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng – an ninh, ước cả năm tỉnh Hậu Giang có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch (tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tổng thu ngân sách nhà nước; số doanh nghiệp đang hoạt động; và có kê khai thuế; tỷ lệ đô thị hoá; lao động việc làm). Đồng thời, có 9 chỉ tiêu đạt kế hoạch (nông thôn mới; dân số; tỷ lệ hộ nghèo; y tế; giáo dục; tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch; tỷ lệ rác thải sinh hoạt ở đô thị và nông thôn được thu gom và xử lý; quốc phòng; an ninh).
Bênh cạnh đó, còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (tăng trưởng kinh tế; cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân đầu người; kim ngạch xuất khẩu.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 2,5% (kế hoạch là 6,5%), trong đó khu vực nông – lâm – ngư nghiệp (khu vực I) là 3,28% (kế hoạch là 2,25%), khu vực Công nghiệp – Xây dựng (khu vực II) là 5,36% (kế hoạch 13,07%), khu vực Thương mại – Dịch vụ (khu vực III) là 0,56% (kế hoạch 5,5%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 0,75% (kế hoạch 5%).
GRDP bình quân đầu người đạt 54,15 triệu đồng/ người, tương đương 2.355 USD, tăng 4% so với cùng kỳ, đạt 95% kế hoạch (kế hoạch 57 triệu đồng/ người).
Cơ cấu kinh tế khu vực I: 26,62%, khu vực II: 24,84%, khu vực III: 38,9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9,65% (kế hoạch 25,41% - 26,05% - 38,92% - 9,61%), chưa đạt kế hoạch đề ra.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, phát biểu chỉ đạo định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2022. Ảnh Báo HG
Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chia sẻ với cử tri và nhân dân trong tỉnh “Năm 2022 còn nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen. Kinh tế và thương mại toàn cầu trên đà phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro bất định. Cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn đang diễn biến phức tạp hơn.
Trong nước, tình hình chính trị - xã hội ổn định; kinh tế đã và đang trở lại đà tăng trưởng, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân tăng lên... Tuy nhiên, Dịch bệnh có thể còn kéo dài, xuất hiện biến chủng mới phức tạp, cùng với thiên tai ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ. Kinh tế vĩ mô dự báo đối mặt nhiều khó khăn, thách thức mới đến từ nội tại của nền kinh tế và hệ luỵ của đại dịch kéo dài. Đối với tỉnh ta các khó khăn không nằm ngoại lệ, song tỉnh đang đứng trước thời cơ và vận hội lớn, như đại biểu đã phát biểu, đó là: thiên thời - địa lợi - nhân hoà”.
Với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết liệt và khát vọng, mục tiêu tổng quát của năm 2022, với sự thống nhất toàn diện của tập thể Tỉnh ủy, ông Nghiêm Xuân Thành đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong tâm;
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, quản lý tài chính, ngân sách; cơ cấu lại và tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Thứ hai, về phát triển kinh tế: Huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, tập trung vào 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.
Thứ ba, về lĩnh vực văn hóa - xã hội: Tiếp tục coi trọng công tác an dân, quan tâm làm tốt việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công và thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Thứ tư, Tăng cường giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán năm 2022. Quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Chú trọng nâng cao chất lượng tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2022.
Trần Hữu Lễ - Pháp luật Plus