Việc xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” sẽ phù hợp với những quy định đặc thù để Thủ đô ngày càng phát triển. Ảnh: Đỗ Tâm
Cần thiết phải đổi mới hoạt động
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, nhiệm kỳ 2021-2026, thực tế số lượng đại biểu HĐND các cấp thành phố Hà Nội ít hơn nhiệm kỳ trước. Cụ thể: HĐND thành phố có 95 đại biểu; HĐND quận, huyện, thị xã có 1.050 đại biểu; HĐND các xã, thị trấn có 10.584 đại biểu. Theo đó, đại biểu chuyên trách cấp huyện cũng giảm chỉ còn một phó chủ tịch HĐND và không tổ chức HĐND ở các phường. Một số nhiệm vụ trước đây như quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách của các phường thuộc thẩm quyền của HĐND phường, thì nay thuộc thẩm quyền của HĐND quận, thị xã.
“Thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, việc ban hành Đề án nói trên là rất cần thiết. Qua đó, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố ở mức độ cao hơn so với hiện nay”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Lấy ví dụ cần có sự điều chỉnh về hoạt động của cơ quan dân cử trong tình hình mới, bà Đào Thúy Hằng (phường Quảng An, quận Tây Hồ) cho biết, hoạt động chất vấn của HĐND các cấp cần đi vào thực chất hơn nữa, đặc biệt khi không có HĐND cấp phường thì hoạt động này của HĐND cấp quận càng phải được tăng nội dung, thời lượng.
Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) Nguyễn Quang Tuấn nhận xét, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các kỳ họp HĐND, nhất thiết cần tăng cường hoạt động giám sát, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân.
Đại diện Thường trực HĐND quận Nam Từ Liêm tham luận dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” tại hội nghị giao ban Thường trực HĐND thành phố và Thường trực HĐND quận, huyện, thị xã quý III-2021.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng
Trao đổi, thảo luận về dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, các đại biểu HĐND thành phố và quận, huyện, thị xã đều đồng tình cao với 5 nhiệm vụ trọng tâm gắn với 5 nhóm giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử các cấp thời gian tới. Đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND bằng việc ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, chuyên nghiệp của thường trực, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp...
Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt, dự thảo Đề án rất sát thực tiễn, đưa ra chỉ tiêu từng nội dung, vấn đề hoạt động. Đơn cử như mỗi phiên chất vấn của HĐND các cấp phải có ít nhất từ 1 đến 2 nội dung và có ít nhất 3-5 đại biểu chất vấn. Hằng năm, HĐND tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND tổ chức ít nhất 2 cuộc, các ban tổ chức ít nhất 5 cuộc, các tổ đại biểu tổ chức ít nhất 1 cuộc khảo sát, giám sát. Ngoài ra, Thường trực HĐND tổ chức ít nhất 2 phiên giải trình/năm.
“Những nội dung trên ở nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND các cấp thành phố đã thực hiện tốt, song số lượng chưa nhiều, nhất là ở nội dung chất vấn, giải trình”, đồng chí Trần Đức Hoạt nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cũng đồng tình cao với dự thảo Đề án và cho rằng, việc xây dựng tổ chức bộ máy cơ quan dân cử ngay từ đầu nhiệm kỳ vừa phát huy dân chủ, vừa có sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng là cần thiết. Vì thế, đối với HĐND cấp huyện, cấp ủy cũng cần quan tâm, bố trí thêm trưởng các ban HĐND hoạt động chuyên trách là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ cùng cấp. Đặc biệt, không bố trí cán bộ vi phạm kỷ luật về công tác chuyên trách tại HĐND các cấp.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên cho biết, các giải pháp, chỉ tiêu trong Đề án đều khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hoạt động hiện nay của HĐND các cấp, đặc biệt là HĐND cấp huyện như: Rất ít các nghị quyết, chỉ thị hoặc đề án chuyên đề của cấp ủy về lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Hay tỷ lệ thường trực, trưởng các ban HĐND là đại biểu chuyên trách và tham gia cấp ủy cùng cấp còn thấp; việc lựa chọn nội dung và tổ chức chất vấn tại kỳ họp chưa được chú trọng...
“Hiện dự thảo Đề án đang được lấy ý kiến các đại biểu HĐND một số quận, huyện, thị xã. Sau đó, Thường trực HĐND thành phố sẽ tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện để Đảng đoàn HĐND thành phố báo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xem xét, ban hành”, đồng chí Phạm Quí Tiên thông tin thêm.
Việt Tuấn - Hà Nội mới