Năm 2018, thành phố Hà Nội đưa vào triển khai thí điểm mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 8 quận, huyện, đến nay mô hình được nhân rộng ra các quận, huyện. Từ nay đến cuối năm 2022, Hà Nội sẽ triển khai 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, đồng thời duy trì an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã.
Các chủ cơ sở kinh doanh được tuyên truyền nâng cao kiến thức, kinh doanh các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm
Để đạt hiệu quả trong quá trình triển khai, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tập trung triển khai từ việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn cho người kinh doanh 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm, đến việc hướng dẫn các cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin địa chỉ các đơn vị kinh doanh thực phẩm an toàn.
Đến nay, theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, nhìn chung tại các “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của người kinh doanh và người tiêu dùng.
Mô hình đã có những chuyển biến tích cực trong quản lý an toàn thực phẩm đối với người bán hàng. Thông qua mô hình, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tăng lên; điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định an toàn thực phẩm của chủ cơ sở được cải thiện, nâng cao nhận thức vai trò quản lý của các cấp chính quyền.
Có mặt tại phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông), người dân cho biết từ khi mô hình được triển khai, các cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn được mở ra ngày càng nhiều giúp tạo được sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, giúp họ có thêm sự lựa chọn các mặt hàng thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Nhung (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: “Việc triển khai các tuyến phố an toàn thực phẩm đã tạo địa chỉ an toàn cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ăn uống, qua đó cũng góp phần nâng cao được hình ảnh, nét đẹp của tuyến phố đối với khách hàng”.
Không chỉ tại các tuyến phố, việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn Thủ đô cũng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Ban Quản lý chợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm.
Các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện đảm bảo các biệp pháp an toàn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, thực hiện ba không: không sản xuất không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không sử dụng phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm…
Cụ thể, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và các ban ngành trên địa bàn tổ chức tọa đàm, hội nghị tập huấn cho mạng lưới hội các cấp, với tổng số 50 cuộc/3.500 lượt tham dự; tổ chức hội nghị, tập huấn cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, người tiêu dùng với 296 lớp/12.829 người tham dự. Hướng dẫn ký cam kết đảm bảo về an toàn thực phẩm tới 3.960 cơ sở.
Các hoạt động trên đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với mặt hàng kinh doanh của gia đình. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm chín tại chợ Hà Đông, quận Hà Đông) chia sẻ: “Chúng tôi tham gia các nhóm xung kích đảm bảo an toàn thực phẩm, các thành viên đã nhận thức được về mối nguy hại đối với người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo đó vì sức khỏe cộng đồng, chúng tôi không sử dụng, bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng để mang lại sự an toàn cho khách hàng”.
N. Hoa - LĐTĐ