Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo Tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục ngày 19/1.
Phụ huynh không nên quá lo lắng
Đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát ở hầu hết các tỉnh, thành phố đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế, trong đó ngành Giáo dục là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch thứ tư (27/4/2021). Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp.
Để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, việc triển khai dạy học trực tuyến, qua truyền hình là giải pháp tất yếu. Tuy nhiên, việc kéo dài học trực tuyến, kéo dài thời gian ở nhà của học sinh không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, mà còn kéo theo những hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, phát triển thể chất của học sinh. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện có khoảng 70.000 sinh viên năm cuối chưa thể tốt nghiệp đại học, cao đẳng do thiếu các yêu cầu về thực tập, thực hành năm cuối, điều này ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nhân lực cho đất nước.
Cùng với tiến độ tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới các hoạt động giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện đến từ Bộ Y tế đều đồng thuận cần thiết mở cửa trường học trở lại. PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Cùng với tiền đề là miễn dịch cộng đồng thông qua bao phủ vaccine đã đạt được, chúng ta đã có kinh nghiệm quý giá từ hơn 2 năm phòng chống dịch; nhận thức của người dân được nâng lên trong việc tự bảo vệ mình và cộng đồng; sự sẵn sàng của thuốc điều trị; thanh, thiếu niên cũng nắm được nguyên lý cơ bản về phòng chống COVID-19… Bộ Y tế cam kết tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT, các địa phương, sẵn sàng trao đổi, hướng dẫn khi có vấn đề nảy sinh mà trường học mở cửa trở lại. Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng khi trường học mở cửa trở lại…
Cục Quản lý môi trường y tế cho biết thêm: Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên toàn quốc chủ yếu ở nhóm trên 50 tuổi; với nhóm tuổi từ 18 đến 49, tỷ lệ này khoảng 15%; nhóm 0 đến 17 tuổi, tỷ lệ rất nhỏ, chỉ chiếm 0,42%. Nên cân nhắc việc cho học sinh từ 12-17 tuổi đến trường sau Tết Nguyên đán vì tỷ lệ tiêm chủng cao. Với trẻ 0-17 tuổi, các tỉnh, thành cần có kế hoạch sớm đưa học sinh trở lại trường, không nên quá lo lắng chờ tiêm chủng bao phủ diện rộng mới cho học sinh đi học trở lại vì tỷ lệ nhóm tuổi này chuyển nặng và tử vong vì COVID-19 là rất thấp.
Học sinh cấp 2, 3 sẽ trở lại trường sau Tết Nguyên đán.
Nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường học
“Khẩn trương, cương quyết, chu đáo đưa học sinh quay trở lại trường học” là nhấn mạnh được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc lại nhiều lần trong kết luận Hội nghị. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá của Bộ GD&ĐT, các địa phương, các chuyên gia… có thể thấy, sau một thời gian dài nhiều địa phương do dịch bệnh chuyển sang dạy học trực tuyến đã phần nào duy trì nhịp độ học tập và bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn việc dạy học gián tiếp với các hình thức qua internet, trên truyền hình thì tác động tiêu cực sẽ lớn dần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan.
Đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi. Kinh nghiệm phòng chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường; chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được tiêm vaccine, việc cho các em đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên đán là phù hợp. Còn với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, các địa phương cần có sự chuẩn bị khẩn trương, trong đó chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức là hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, các cấp, các ngành; đặc biệt là sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh”.
Bộ trưởng cũng khẳng định, không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương tránh rơi vào 2 trạng thái cực đoan: hoặc e dè, chần chừ thái quá trong mở cửa, hoặc khi chuyển sang trạng thái mới tích cực đưa học sinh tới trường lại chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô…
Với hình thức dạy trực tuyến đã được xác lập trong 2 năm qua và tạo ra cú hích thúc đẩy công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Giáo dục, Bộ trưởng lưu ý, không vì học sinh trở lại học trực tiếp mà lãng phí hình thức dạy học này. Ngược lại cần tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trọng tâm của năm 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo, vì vậy, khi học sinh trở lại, các nhà trường cần tập trung hỗ trợ kiến thức, tâm lý cho học sinh, thực hiện đánh giá, phân nhóm phù hợp để hỗ trợ hiệu quả…
Uyên Na - Pháp luật Plus