Hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị hạn chế giao dịch từ 12/7
Kinhte&Xahoi
Cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 12/7/2023.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Tiền phong)
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa ban hành quyết định chuyển cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 12/7/2023.
Lý do HoSE đưa ra là Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại Quy chế Niêm yết và Giao dịch chứng khoán niêm yết.
Như vậy, 2,2 tỷ cổ phiếu HVN sẽ chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và giao dịch thỏa thuận.
Trước đó, như Pháp luật Plus đã thông tin, HOSE từng lưu ý về khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu HVN nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm. Theo báo cáo tài chính tự lập, năm 2022, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 10.450 tỷ đồng.
Hai năm liền trước đó, chỉ tiêu này của Vietnam Airlines cũng đều âm lần lượt hơn 10.900 tỷ và hơn 12.900 tỷ. Đến 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines ghi nhận âm xấp xỉ 10.200 tỷ đồng.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP cách đây không lâu đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023.
Trong quý 1/2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 23.494 tỷ đồng, gấp hơn đôi cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi giá vốn hàng hóa ở mức 21.534 tỷ đồng nên hãng chỉ thu về được 1.959 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Dù vậy, khoản lãi này vẫn tốt hơn so với con số âm của năm trước.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng tăng 262 tỷ đồng so với cùng kỳ lên mức 366 tỷ đồng,
Chi phí tài chính tăng 46% so với cùng kỳ lên 773 tỷ đồng, trong đó gần một nửa là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng cũng tăng mạnh tới 187% lên gần 1.048 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí khác đều cao hơn so với quý 1/2022.
Trong quý này, công ty cũng ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức 57 tỷ đồng trong khi năm 2022 lỗ 2.742 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý 1/2023 là 19,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 2.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế Vietnam Airlines vẫn âm 37,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.685 tỷ đồng. Hãng hàng không này đã ghi nhận 13 quý lỗ liên tiếp nhưng là đây quý lỗ nhẹ nhất.
Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 59.578 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó lượng tiền và tương đương tiền ở mức 2.845 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 16% so với đầu năm, đạt 3.570 tỷ đồng.
Tổng số nợ của Vietnam Airlines giảm gần 1 tỷ đồng so với đầu năm còn 69.817 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn tăng thêm 1.639 tỷ đồng, ở mức 54.77 tỷ đồng và nợ dài hạn ở mức 15.039 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của HVN vẫn âm 10.239 tỷ đồng cuối quý I/2023. Trước đó, vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2022 của Vietnam Airlines là âm 10.199 tỷ đồng.
Lê Hải - Ngọc Huy - Pháp luật Plus