Huyện Tiên Du yêu cầu Tập đoàn CEO chỉ xả thải ra môi trường khi có giấy phép
Kinhte&Xahoi
Yêu cầu này được UBND Tiên Du, (Bắc Ninh) phát đi trong văn bản ban hành mới đây.
Được biết, ngày 6/1/2023, UBND huyện Tiên du đã cùng các cơ quan chuyên môn phối hợp với Xí nghiệp Khai thác Công trình thủy lợi Tiên Du, UBND xã Nội Duệ kiểm tra thực tế tại Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (trụ sở tại xã Nội Duệ). Tại thời điểm kiểm tra, công ty có khoảng 120 người đang học và công tác, lượng nước thải sinh hoạt phát sinh khoảng 1,2m3/ngày đêm (giấy phép 100m3/ngày đêm) và không xả thải ra công trình thủy lợi do đầu xả thải ra đang được lấp để thi công cải tạo, nâng cấp kênh tiêu T12.
Theo giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi số 1478/GP-UBND ngày 19/10/207 do UBND tỉnh Bắc Ninh cấp cho Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (Tập đoàn CEO) đã hết hạn ngày 19/10/2022. Hiện tại, Công ty đang hoàn thiện các thủ tục xin cấp giấy phép ra môi trường theo quy định.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Chính vì vậy, UBND huyện Tiên Du yêu cầu Tập đoàn CEO hoàn thiện thủ tục gia hạn cấp phép về hoạt động môi trường theo quy định của pháp luật.
Chỉ xả thải ra công trình thủy lợi khi được cấp thẩm quyền cấp phép theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, như Pháp luật Plus đã từng thông tin, tháng 12/2022, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Ninh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh) cho hay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Nam Đuống hiện nay phát hiện tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không thực hiện ra hạn giấy phép và 01 doanh nghiệp chưa được cấp phép vẫn tiếp tục xả thải ra hệ thống công trình thủy lợi; không báo cáo quan trắc chất lượng nước xả thải định kỳ theo quy định gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng nước tưới cho cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
17 doanh nghiệp chậm trễ ra hạn giấy phép xả thải ra môi trường gồm:
Công ty Cổ phần tập đoàn C.E.O (điểm xả - Kênh tiêu Trịnh Xá);
Công ty Cổ phần và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long (điểm xả - Kênh tiêu 6);
Công ty cổ phần VIEPAC; Công ty cổ phần tập đoàn DABACO (điểm xả - Kênh tiêu Kim Đôi 7);
Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera - Chi nhánh Tổng công ty Viglacera (điểm xả - Kênh tiêu chính trạm bơm Vạn An - Đặng Xá);
Công ty CP KCN Khai Sơn; Công ty CP dịch vụ kỹ thuật KVC (điểm xả - Kênh tiêu Sông Đông Côi - Đại Quảng Bình);
Công ty TNHH&Thương mại quốc tế Việt Sinh (điểm xả - Kênh G2);
Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (điểm xả - Kênh G16);
Công ty TNHH Phát triển nhà đất Shun - Par (điểm xả - Cống tiêu Ngọ Xá);
Bệnh viện đa khoa Thuận Thành (điểm xả ra Kênh tiêu L6);
Cty Thực phẩm Farina (điểm xả - Tại K1+500, bờ tả kênh tiêu S5 ra sông dâu);
Công ty CP TM và VLXD Phú Bình (Xã Quỳnh Phú); Bệnh viện Đa Khoa Gia Bình (điểm xả - Kênh tiêu N9);
Công ty cổ phần xốp 76; Công ty CP Đông Bình (Thị trấn Gia Bình) (điểm xả - Hệ thống thoát nước Thị trấn ra kênh tiêu N9);
Công ty TNHH MTV DHA (điểm xả - Hồ thủy lợi Táo đôi Thôn Bùi TT Thứa).
Thành lập ngày 26/10/2001, trên trang web của đơn vị, với lời giới thiệu Tập đoàn CEO hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, với khát vọng “Vì Việt Nam hùng cường”. Tập đoàn phát triển hệ sinh thái vững mạnh dựa trên các trụ cột kinh doanh cốt lõi: Bất động sản, Xây dựng, Dịch vụ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1, mã CEO neo ở mốc 25,3 nghìn đồng/CP, giảm 2,64% so với mốc tham chiếu.
Theo Báo cáo kết quả kinh doanh vừa được công bố, tổng doanh thu năm 2022 của CEO Group đạt 2.626 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 310 tỷ đồng, vượt trên 10 tỷ đồng so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn CEO trong quý IV/2022 đã ghi nhận một số điểm sáng. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2022, nợ dài hạn giảm 407 tỷ đồng, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền tăng hơn 88 tỷ đồng so với thời điểm ngày 1/1/2022. Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 482,8 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp tính tới ngày cuối năm 2022 đạt 7.060 tỷ đồng.
Ở diễn biến khác, tháng 12/2022, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận Thanh tra số 2211/KL-TTCP về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam (giai đoạn 2012 – 2018).
Theo Kết luận thanh tra, cơ quan chức năng xác định dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới River Silk City - do Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (Tập đoàn CEO) làm chủ đầu tư có 59 trường hợp xây dựng không phép, trong đó có 5 trường hợp xây nhà ghép trên nhiều lô đất, không đúng với quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt. |
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục giám sát quá trình thực hiện quy định pháp luật của các doanh nghiệp nêu trên và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.
Quang Vũ - Pháp luật Plus