Phụ nữ làm nhiều…
Bên cạnh các công việc xã hội, phụ nữ phải dành thêm rất nhiều thời gian mỗi ngày cho các công việc nội trợ “không lương”. Sau 8 tiếng công sở, nếu nam giới thường dành thời gian gặp gỡ bạn bè hoặc về nhà xem tivi thư giãn, đọc sách báo… thì trong lúc đó, phần lớn phụ nữ vẫn tiếp tục tất bật với công việc nội trợ như cơm nước hay dọn dẹp nhà cửa…
Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ quản lý dự án chương trình “Chấm dứt bạo lực với phụ nữ”, đại diện UN Women tại Việt Nam chia sẻ, theo kết quả Điều tra lao động việc làm năm 2021, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ gấp 1,96 lần so với nam giới. Nữ làm 2,48 giờ/ngày và nam là 1,26 giờ/ngày. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Thế giới, phụ nữ Việt Nam dành nhiều hơn nam giới trung bình 12 - 16 tiếng/tuần để làm việc nhà.
Sở dĩ, có tình trạng phụ nữ làm công việc nhà nhiều hơn nam bởi rất nhiều bà vợ cho rằng: “Nam tính của người đàn ông sẽ bị đe dọa nếu như họ phải làm những công việc trong gia đình”. Đây cũng là lý do mà nam giới không làm việc nhà hoặc chỉ “giúp” trong chừng mực nào đó. Mặc dù, họ cũng hiểu “thực trạng phân công lao động như vậy không có lợi cho sự tiến thủ và sức khỏe của phụ nữ”.
Thêm thời gian làm việc đồng nghĩa phụ nữ ít có cơ hội để nghỉ ngơi và thời gian cần thiết dành cho chính mình. Hệ quả là nhiều chị em dễ lâm vào tình trạng mệt mỏi, suy nhược hay nghiêm trọng hơn là những vấn đề bệnh lý cơ -xương - khớp như đau, nhức mỏi, thoái hóa khớp, đau cột sống, loãng xương…
Bất bình đẳng giới diễn ra trên thị trường lao động và trong thu nhập.
Cũng tại cuộc nghiên cứu cho thấy sự đóng góp về mặt kinh tế tính bằng thời gian làm việc nhà của phụ nữ dao động từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Ngoài giá trị kinh tế, còn có cả trách nhiệm và tình thương yêu của người phụ nữ chăm sóc, dạy dỗ, tái tạo sức lao động của các thành viên trong gia đình - một giá trị thiêng liêng không thể đo được bằng bất cứ phép tính nào.
Như vậy, người phụ nữ, người vợ thực sự là người có đóng góp rất lớn cho tổ ấm gia đình, không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt tinh thần. Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: “Chúng ta cần phải có những nghiên cứu sâu hơn với qui mô lớn hơn để giúp mô tả xác thực hơn các vấn đề xung quanh công việc gia đình vốn bị coi là “vô hình” này và lượng hóa giá trị đóng góp của phụ nữ vào kinh tế gia đình, đất nước”.
... nhưng thu nhập ít hơn nam giới
Bất bình đẳng giới còn diễn ra trên thị trường lao động và trong thu nhập. Khi tiếp nhận một lao động nữ trẻ thì các chủ doanh nghiệp thường e ngại về thời gian 6 tháng nghỉ thai sản. Nhiều doanh nghiệp buộc lao động nữ ký thêm một phụ lục trong hợp đồng lao động là không được mang thai trong thời gian 2 năm đầu làm việc. Từ đó dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thích tuyển lao động nam dù khả năng làm việc của họ thua kém nữ giới.
Còn về thu nhập, theo số liệu báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH năm 2017, mức lương bình quân hằng tháng của lao động nữ khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam (5,19 triệu đồng). Điều này không hẳn là do chủ doanh nghiệp cố ý trả lương cho lao động nữ thấp hơn nam giới khi làm cùng một công việc. Lý do chính là vì phụ nữ phải chăm sóc con, đảm đang việc gia đình nên ngày công không cao bằng nam giới.
Đối với lao động nữ di cư, dù họ tham gia vào cả lực lượng lao động chính thức lẫn phi chính thức, nhiều lao động di cư không được hưởng những quyền lợi từ các chính sách an sinh xã hội, như lao động, việc làm, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tiếp cận thông tin... Bên cạnh đó, thu nhập của họ không ổn định và bấp bênh từ những công việc chỉ được ký hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc thậm chí không có hợp đồng.
Phụ nữ còn phải đối mặt với bất bình đẳng giới về vị thế xã hội, sở hữu tài sản. Nam giới chiếm ưu thế trong kiểm soát đất đai và các tài sản giá trị cao. Hầu hết các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mang tên chủ hộ là nam giới. Tình trạng này có thể khiến phụ nữ bị mất quyền sở hữu trong trường hợp ly hôn hay hưởng thừa kế. Nam giới thường ra quyết định về đầu tư kinh doanh của hộ gia đình và việc sử dụng thu nhập. Hạn chế trong sở hữu tài sản làm giảm khả năng tiếp cận của phụ nữ tới các cơ hội tín dụng và đầu tư…
Nhiều gia đình có cả con trai, con gái thì lại có sự phân biệt, đối xử bất bình đẳng ngay trong chính gia đình mình. Khi các con trưởng thành, lập gia đình thì bố mẹ lại để thừa kế tài sản phần lớn cho con trai, con gái chẳng qua cùng là "con người ta", đi làm dâu thì hưởng phúc nhà chồng… Chính những quan điểm không phù hợp này vô hình trung đã dẫn đến một hệ quả bất bình đẳng, áp đặt những việc không tên trong gia đình lên vai người phụ nữ, biến những thời gian giải quyết việc nhà thành thời gian làm việc không được trả lương.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia, hiện nay hội chứng “sợ kết hôn” đang gia tăng ở Việt Nam. Nhiều phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân không hẳn vì muốn phát triển sự nghiệp, mà sâu xa họ nhìn thấy áp lực sinh ra từ việc bất bình đẳng giới.
Ông Lê Khánh Lương, Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Bộ LĐTBXH cho rằng, trong lĩnh vực bình đẳng giới, truyền thông được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.
Phụ nữ làm công việc nhà nhiều hơn nam giới.
Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách, chương trình để đảm bảo an sinh xã hội thì công tác truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn nhằm thay đổi những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bà Hoàng Tú Anh - Chủ tịch Mạng lưới Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới GBVNet tại Việt Nam cho biết, cần phải có chương trình tiếp cận tới cả nam giới, thay vì chỉ có phụ nữ và trẻ em gái. Trong chiến lược dài hạn, cần phải có các chương trình giáo dục về bình đẳng giới đưa vào giảng dạy trong trường học cho trẻ em. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái.
Hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới cần từng bước khắc phục tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế có chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái.
Theo ông Dan Rees - Giám đốc Chương trình Better Work toàn cầu, cần trao quyền cho lao động nữ thúc đẩy và đảm bảo tuân thủ pháp luật, gia tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, thúc đẩy đối thoại, cải thiện sức khỏe và mục tiêu học tập, đào tạo cho người lao động và gia đình của họ.
“Khi lao động nữ có tiếng nói trong quá trình đối thoại tại nơi làm việc, tỷ lệ tuân thủ pháp luật cao hơn và điều kiện làm việc trở nên tốt hơn. Khi không còn quấy rối và lạm dụng trong môi trường làm việc, người lao động được hưởng mức độ an sinh cao hơn, còn nhà máy được tăng lợi nhuận. Trong quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch, nhiệm vụ cải thiện bình đẳng giới tại nơi làm việc có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết” - ông Dan Rees nhấn mạnh.
Năm 2022, chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực giới là “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Chủ đề khẳng định ưu tiên và cam kết trong thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
|
Bảo Châu - Pháp luật Plus