Khung cảnh vắng vẻ trên tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ tại Hà Nội

13/04/2024 16:10

Kinhte&Xahoi

Ngày 1/2/2024, Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội đã khánh thành thử nghiệm đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ chạy dọc theo tuyến sông Tô Lịch với chiều rộng 4m và chiều dài 2,3km. Tuyến đường bắt đầu từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy và được phân làn rõ ràng, trong đó có 3m dành riêng cho người đi xe đạp và 1m dành cho người đi bộ.

Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, tuyến đường dành cho xe đạp và người đi bộ ven sông Tô Lịch không phát huy hiệu quả như mong đợi mà rơi vào hoàn cảnh “ế ẩm” người qua lại.

Tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ luôn trong tình trạng ảm đạm, vắng bóng người dân.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vấn đề ô nhiễm của dòng sông Tô Lịch. Tuy là làn đường nằm bên trong, đảm bảo được sự an toàn khi tham gia giao thông của người dân, nhưng bên cạnh đó là mùi hôi, thối bốc lên từ con sông khiến cho mọi người cảm thấy khó chịu, không được thoải mái.

Anh M.Q. (25 tuổi, tại quận Đống Đa) chia sẻ: “Theo cảm nhận của tôi thì đây là một dự án có ý nghĩa lớn. Tuy nhiên, điều làm tôi tiếc nhất là được xây dựng cạnh con sông Tô Lịch luôn trong tình trạng ô nhiễm và bốc mùi khó chịu nên rất ít người lựa chọn tuyến đường này để đi”.

Lượng người sử dụng tuyến đường này trong ngày rất ít, có thời điểm không một bóng người.

Theo tìm hiểu, dự án được tiến hành nhằm nâng cao việc sử dụng các phương tiện vận tải công cộng của người dân Hà Nội. Dọc tuyến đường được lắp đặt 6 trạm xe đạp công cộng để kết nối với các bến xe buýt, đường sắt đô thị chính giúp người dân dễ dàng di chuyển. Tuy nhiên, theo ghi nhận, vào nhiều ngày trong tháng 4/2024, tuyến đường này luôn trong tình trạng ảm đạm, vắng vẻ người đi lại. Những trạm xe đạp công cộng được bố trí nhưng không thu hút người sử dụng.

Một vấn đề khác đang diễn ra tại tuyến đường này là tình trạng đỗ xe ngay tại đầu vào, gây cản trở và khó khăn trong việc di chuyển, đi lại của người dân. Tại nhiều vị trí dẫn vào tuyến đường thường có các hàng nước nên đây được coi như vị trí lý tưởng để đỗ xe.

Ông V.Đ. (55 tuổi, tại quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi thường xuyên sử dụng xe đạp để rèn luyện sức khỏe, từ khi đường dành cho xe đạp được vận hành thì tôi cũng đã được trải nghiệm. Nhưng có lẽ tôi chỉ đi được 1 lần duy nhất và không sử dụng lại nữa tại mùi sông Tô Lịch bốc lên quá là nặng. Không những vậy, lối vào cũng hay bị chắn bởi xe máy hay xe ô tô nên rất khó để di chuyển xe vào”.

Những chiếc xe máy đỗ ngay tại đầu vào của tuyến đường, gây cản trở cho những người có nhu cầu di chuyển.

Trước đây, để ngăn xe máy, ô tô đi vào tuyến đường này, ở đầu những nút giao đều có rào chắn, người đi xe đạp muốn đi vào phải nhấc xe qua, điều này vô tình đã gây bất tiện khi để đi hết đoạn đường hơn 2 km, sẽ phải dừng và nâng xe qua 10 lần.

Mặc dù khu vực rào chắn đã được thay thế để người dân dễ dàng sử dụng hơn, tuy nhiên, chúng ta vẫn rất dễ bắt gặp tình trạng xe máy, xe ô tô chắn lối vào khiến người dân khó di chuyển phương tiện vào bên trong làn đường.

Dù mới được đưa vào sử dụng, nhưng khu vực này thường xuyên xuất hiện những bãi rác tự phát làm ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra do ít người đi lại trên tuyến đường nên việc dọn dẹp, vệ sinh mặt đường không được thực hiện thường xuyên.

“Tôi rất thích đi xe đạp, nhưng sau nhiều lần có trải nghiệm không tốt tại tuyến đường dành cho xe đạp thì tôi nghĩ sẽ không quay lại. Không chỉ mùi sông quá nặng mà xung quanh còn toàn rác. Hy vọng thời gian tới, khu vực này sẽ cải thiện lại để thu hút người sử dụng hơn” - Chị H.N (26 tuổi, tại quận Thanh Xuân).

Do ít người đi lại nên tuyến đường khá bẩn, không thường xuyên được dọn dẹp.

Để tuyến đường phát huy được vai trò cần phải có nhiều giải pháp hợp lý để giải quyết các tình trạng đang diễn ra, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết triệt để của sông Tô Lịch.

Trần Hiền - Nguyễn Mơ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trường học chủ động phòng bệnh tay chân miệng

Số ca mắc tay chân miệng đang gia tăng trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Theo quy luật, bệnh tay chân miệng thường có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm.

link bài gốc https://phapluatplus.vn/khung-canh-vang-ve-tren-tuyen-duong-danh-rieng-cho-xe-dap-va-nguoi-di-bo-tai-ha-noi-197985.html