Để đáp ứng nhu cầu thông tin điều trị cho các F0, từ ngày 17/12, Hà Nội đã chính thức công bố mở rộng nhánh 3 của Tổng đài điện thoại 1022 để tiếp nhận thông tin liên quan đến F0 điều trị tại nhà và tư vấn y tế về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Cùng với việc mở rộng nhánh 3, thành phố cũng triển khai Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, hỗ trợ F0 tại nhà. Hơn 1.200 bác sĩ và tình nguyện viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện y dược trên địa bàn thành phố đã tham gia, chia thành 2 nhóm hoạt động Tổng đài 1022 nhánh số 3 và 28 nhóm y bác sĩ tình nguyện phụ trách 30 quận, huyện.
Cụ thể, trực tại Tổng đài 0241022 nhánh số 3 là các sinh viên trường y, dược, bác sĩ trực tổng đài hằng ngày, tổng hợp các trường hợp gọi đến, chuyển về các quận huyện để các bác sĩ và tình nguyện viên mạng lưới tiếp tục chăm sóc. Trung bình mỗi ngày tổng đài nhận được 100 cuộc gọi từ người dân.
Điện thoại viên trực Tổng đài 1022 Hà Nội hỗ trợ người dân phản ánh, kiến nghị liên quan đến dịch COVID-19
28 nhóm bác sĩ và tình nguyện viên tại 30 quận, huyện sẽ tiếp nhận ca bệnh mới được cập nhật hàng ngày từ phần mềm quản lý F0 và gọi điện chăm sóc bệnh nhân theo quy trình. Tổng cộng mỗi ngày có khoảng hơn 4.000 cuộc gọi từ các bác sĩ và tình nguyện viên của mạng lưới đến các bệnh nhân.
Từ ngày 1/1, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tại Tổng đài 1022 trực liên tục 24h. Từ ngày 3-8/1, Tổng đài 1022 nhánh số 3 đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.092 F0; Còn nhóm bác sĩ và tình nguyện viên đã thực hiện 42.999 cuộc gọi, hỗ trợ được 25.532 bệnh nhân.
Thấy người nhà có dấu hiệu ho, sốt, chị Dương Thu Hương (ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) rất lo lắng. Chị khẩn trương chuẩn bị test nhanh và tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho cả gia đình.
Khi kết quả test nhanh COVID-19 của bố và con chị lên 2 vạch, cả gia đình gần như hoảng loạn vì COVID-19 đã “nhắm trúng” vào người già và trẻ con trong nhà. Biết chưa thể liên hệ được ngay với y tế phường để lấy mẫu xét nghiệm và hỗ trợ, chị Hương gọi ngay đến Tổng đài 1022, nhấn phím số 3 để tìm sự trợ giúp.
“Khi được bác sĩ trấn an, tôi đã cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Tôi kể tình hình trong nhà đã có 2 người dương tính khi test nhanh, bác sĩ đã hướng dẫn tận tình từ việc khẩn trương báo với y tế phường; Trong lúc đó, cần cách ly người dương tính ra khu vực riêng, cách chăm sóc, tránh lây nhiễm ra sao. Sau đó không lâu, tôi nhận được điện thoại, hỏi thăm tình hình sức khỏe, triệu chứng, số mũi vắc xin đã tiêm và có bệnh nền không?... Hướng dẫn cuối cùng là chờ đến khi có kết quả PCR để tiếp tục xử lý. Có bác sĩ trợ giúp từ xa trong quá trình điều trị, gia đình tôi cảm thấy vững vàng hơn”, chị Hương kể.
Cũng tự xét nghiệm cho cả gia đình và phát hiện mẹ đẻ bị dương tính với SARS-CoV-2, chị Đào Thị Thanh Yến (ở phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) gọi ngay cho Tổng đài 1022 để “cầu cứu”. Sau khi được bác sĩ tư vấn cách ly ca bệnh, chuẩn bị các dụng cụ theo dõi sức khỏe tại nhà, không lâu sau, đội phản ứng nhanh đã tới để lấy mẫu PCR cho mẹ chị. Cả gia đình chị Yến thực hiện cách ly tại nhà và mẹ chị được phát thuốc điều trị dùng trong 5 ngày, được test lại để kiểm tra sức khỏe.
Nhờ được hướng dẫn theo dõi hàng ngày, sức khỏe của mẹ chị Yến đã ổn định dần; Gia đình chị cũng không có ai bị lây nhiễm. “Có bác sĩ để tư vấn hàng ngày giúp chúng tôi cảm thấy yên tâm khi điều trị COVID-19 ở nhà”, chị Yến chia sẻ.
Hà Nội hiện có khoảng 28.000 F0 điều trị tại nhà
BS Nguyễn Trung Nghĩa (Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba) từng tham gia hệ thống Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ người bệnh COVID-19 chia sẻ: “Khi nhận được cuộc gọi nhờ hỗ trợ của các ca F0, tôi thấy đa số tinh thần của cả người bệnh lẫn người nhà đều rất hoang mang, bối rối, chưa biết cách xử trí; Thậm chí là việc cách ly như thế nào, cách tiếp xúc chăm sóc ra sao, việc sử dụng các đồ dùng dụng cụ trong nhà để tránh lây nhiễm... họ đều không nắm rõ.
Với các F0 triệu chứng nhẹ, việc điều trị các triệu chứng thông thường, đơn giản nhưng tâm lý mắc COVID-19 khiến nhiều người lo lắng hơn. Vì vậy, việc đầu tiên là các bác sĩ luôn phải trấn an tinh thần cho các gia đình có F0, hướng dẫn họ khai báo với y tế phường, cách xử trí các các tình huống khi chưa tiếp cận được y tế. Với các trường hợp có quyết định điều trị tại nhà, người bệnh cũng cần có bác sĩ theo sát, nhất là với các ca có triệu chứng, dù nhẹ nhưng cũng phải phòng các diễn biến nặng có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Cũng theo BS Nguyễn Trung Nghĩa, việc ổn định tinh thần cho các F0 là rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả quá trình hồi phục của người bệnh. Nhất là việc sử dụng thuốc, đa số người dân chưa biết nhiều về các loại thuốc thông thường, dễ dùng sai mục đích. Nếu không có bác sĩ hướng dẫn, người bệnh cứ tự uống mà không hiểu thì hậu quả rất khó lường.
TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, Tổng đài 1022 tiếp cận với người dân rất sớm. Vì vậy, người dân có thể gọi tổng đài hoặc đường dây nóng của các Trạm Y tế lưu động để được cung ứng dịch vụ y tế, tránh phụ thuộc quá nhiều vào đường dây nóng gây quá tải không đáng có trên hệ thống và căng thẳng không cần thiết.
Lan Chi - TTTĐ