Lan tỏa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Kinhte&Xahoi
Văn hóa người Việt đặc trưng bởi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và sự thăng hoa của tín ngưỡng ấy ở tầm quốc gia chính là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Sau 10 năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2012-2022), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang khẳng định sức sống mãnh liệt của triết lý hướng về cội nguồn, một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng hội tụ, lan tỏa giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt.
Tín ngưỡng của người Việt
12h09 (giờ địa phương) ngày 6-12-2012, tại Thủ đô Paris của Cộng hòa Pháp, UNESCO đã chính thức ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về sự trường tồn bất diệt của đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm của người Việt. Đồng thời cho thấy tính độc đáo, riêng có của di sản đã trở thành bản sắc văn hóa của cả cộng đồng.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt là di sản thờ cúng tổ tiên chung của một đất nước lần đầu tiên được UNESCO ghi danh.
Sau 10 năm được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tiếp tục được bảo tồn, lan tỏa mạnh mẽ, thông qua các cam kết, chương trình hành động của Việt Nam. Với vai trò là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đã tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành thực hiện thành công nhiều phần việc. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy, tỉnh đã thực hiện công tác đầu tư, tôn tạo, tu bổ xây dựng Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng theo đúng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê khoa học các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh và cả nước, từ đó đề ra biện pháp bảo tồn, khôi phục và phát huy hiệu quả.
“Song song là phối hợp cùng cộng đồng các địa phương tổ chức xây dựng ngân hàng dữ liệu về tín ngưỡng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; đẩy mạnh bảo tồn và phát huy, đưa di sản “Hát xoan Phú Thọ” từ mức “cần bảo vệ khẩn cấp” đến được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, ông Nguyễn Đắc Thủy thông tin thêm.
Còn theo Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang, thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản chính là ý thức nguồn cội của hàng triệu người dân đất Việt, thể hiện qua số lượng đồng bào tìm về với trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng - Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) trong dịp Giỗ Tổ tăng theo từng năm. Cũng trong dịp Giỗ Tổ, đồng loạt các di tích có thờ Vua Hùng và các danh tướng thời Hùng Vương đều thực hiện nghi thức dâng hương trang nghiêm, trọng thể. Việc cộng đồng người Việt ở nước ngoài thực hiện nghi thức Giỗ Tổ cũng được phủ sóng tại nhiều quốc gia. Đây là minh chứng cho sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Khẳng định giá trị văn hóa dân tộc
Nhìn nhận những nỗ lực của cộng đồng trong bảo tồn, lan tỏa giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là khoảng thời gian không quá dài, nhưng đủ để cảm nhận được niềm tự hào với những kết quả đặc biệt.
“Các nghi thức, diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng, xã tại tỉnh Phú Thọ tiếp tục được sưu tầm, nghiên cứu; các văn bia, thần tích, sắc phong, lệnh chỉ liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng đã được tập hợp, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ; hoạt động quảng bá giá trị của tín ngưỡng được thực hiện khá bài bản... Điều đó giúp cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào việc giữ gìn và phát huy tốt nhất giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung, Lễ hội Đền Hùng nói riêng trong đời sống xã hội đương đại và cả tương lai”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Để phát huy hơn nữa giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng cho biết, tỉnh Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến, quảng bá về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, các giá trị văn hóa vùng Đất Tổ... đến tất cả các cấp, các ngành, nhân dân địa phương và du khách trong, ngoài nước. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, nhất là du lịch tâm linh. Đồng thời tập trung xây dựng, phê duyệt quy hoạch hệ thống các di tích liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, bảo đảm chủ động, khoa học, hiệu quả.
Nguyễn Thanh - Hà Nội mới