Nêu cao vai trò của người đứng đầu, cán bộ phụ trách trong thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số

17/05/2023 20:25

Kinhte&Xahoi Tiếp tục chương trình giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về việc thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội, sáng 17/5, Đoàn giám sát của HĐND Thành phố đã làm việc với huyện Gia Lâm. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì đoàn giám sát. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên; thành viên Đoàn giám sát và lãnh đạo một số sở, ngành Thành phố.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại bộ phận Một cửa UBND xã Đặng Xá

Trước khi làm việc với huyện Gia Lâm, Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại bộ phận Một cửa UBND xã Đặng Xá và bộ phận Một cửa UBND huyện.
 
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, UBND huyện Gia Lâm xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ. Từ đó, triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án đồng bộ và tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC từng bước được nâng cao, nhận thức trong chỉ đạo, điều hành về công tác CCHC đã được cải thiện thông qua việc thực hiện chấm chỉ số CCHC đối với các đơn vị.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn trò chuyện với người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa xã Đặng Xá

Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị được đổi mới, tiến hành thường xuyên, từ đó, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến, đặc biệt là việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính; phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện CCHC tại các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể trong toàn huyện. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức 178 cuộc kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC các cơ quan, đơn vị trực thuộc; thực hiện tốt nhiệm vụ thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 do UBND thành phố giao; đồng thời, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính vào sáng thứ 7 hàng tuần tại 17/22 xã, thị trấn. Các vấn đề “nóng” như kế hoạch sử dụng đất, vấn đề thu hồi đất, cấp sổ đỏ, kết quả giải quyết đơn thư, cải cách hành chính, thông tin tuyển dụng công chức, viên chức…cũng được cập nhật kịp thời, đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của huyện. Ngoài ra, 100% đơn vị trong huyện đều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn; thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, rút ngắn từ 30% đến 50% thời gian họp. 
 
Việc xây dựng, ban hành, công tác rà soát, hệ thống hóa, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời và đi vào nền nếp. Công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn huyện thường xuyên, liên tục được rà soát, cập nhật đã hệ thống hóa được toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện và UBND các xã, thị trấn ngay sau khi có các Quyết định công bố của cấp trên và công khai theo quy định. 

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại bộ phận Một cửa UBND huyện Gia Lâm

Tổ chức bộ máy, biên chế các phòng, ban, đơn vị đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hành, cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo; có sự phân định rõ giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính được nâng lên. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước đã có sự điều chuyển, đảm bảo tính thống nhất, linh hoạt trong quản lý, thực hiện nghiêm túc việc phân cấp về quản lý tài chính, ngân sách, quản lý.
 
Đáng lưu ý, huyện đã thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính cho 14 đơn vị, 22 xã thị trấn, 79/79 trường học, 5 đơn vị sự nghiệp…tiết kiệm do thực hiện khoán chi, giao quyền tự chủ đạt hơn 124 tỷ đồng; thực hiện tốt phân cấp, ủy quyền tại địa phương, đã bàn giao đưa vào sử dụng 283 dự án theo hình thức này, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở huyện.

Đoàn giám sát làm việc với huyện Gia Lâm

Tuy nhiên, huyện Gia Lâm cũng cho rằng, hiện nay, 81 thủ tục hành chính có quyết định uỷ quyền thực hiện tại cấp huyện, 10 thủ tục hành chính có quyết định uỷ quyền thực hiện tại cấp xã. Tuy nhiên, hầu hết các thủ tục hành chính được uỷ quyền chưa có quyết định ban hành quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính của UBND thành phố để cấp huyện và cấp xã áp dụng thực hiện; gây khó khăn, lúng túng cho huyện và cơ sở trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được uỷ quyền…
 
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát và lãnh đạo các sở ngành Thành phố đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung về công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trên địa bàn huyện, đặc biệt là những khó khăn liên quan đến các thủ tục hành chính được ủy quyền, phần mềm Một cửa, tổ chức bộ máy…

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại buổi giám sát

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng, huyện Gia Lâm là đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, huyện đã làm tốt công tác giải ngân công nghệ thông tin; tập huấn cho cán bộ về phần mềm quản lý văn bản… Đồng chí Nguyễn Việt Hùng đề nghị, thời gian tới, huyện Gia Lâm tiếp tục làm tốt việc số hóa; tăng cường tập huấn cho cán bộ, chuyên viên về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO. Sở Thông tin và Truyền thông cam kết tiếp tục đồng hành với các quận, huyện và sở ngành trong xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
 
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, chuyển đổi số là việc quan trọng, luôn được lãnh đạo Thành phố quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền, thể chế bằng các văn bản. Huyện Gia Lâm là đơn vị triển khai tốt công tác này, có hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đầy đủ, đưa ra mô hình hay, chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi giám sát

Để nâng cao chất lượng lĩnh vực này, Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo huyện Gia Lâm tiếp tục phân cấp uỷ quyền; khai thác đầy đủ, cập nhật nội dung mới, chú trọng tuyên truyền đến cán bộ, người dân trong CCHC. Nhất là việc thực hiện đề án từ huyện lên quận, huyện Gia Lâm cần rà soát toàn bộ công tác CCHC từ quận đến các xã, thị trấn, đánh giá kỹ, thực chất công việc; nêu cao vai trò của người đứng đầu, cán bộ phụ trách trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và đạo đức công vụ.
 
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng chỉ đạo, bên cạnh biểu dương khen thưởng đơn vị làm tốt thì huyện Gia Lâm cũng nhắc nhở, phê bình đơn vị còn lơ là, chưa chuẩn chỉ, nhằm thúc đẩy công tác CCHC, phục vụ người dân tốt hơn.
 
Chủ tịch HĐND Thành phố cũng chỉ đạo thành viên Đoàn giám sát, nghiên cứu kỹ nội dung, sau khi giám sát trực tiếp, có những kiến nghị, đề xuất sát thực tiễn, để  công tác CCHC, thực hiện chuyển đổi số của thành phố chuyển biến tích cực, phục vụ người dân và doanh nghiệp Thủ đô.

Lê Hải - HNP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

9.238 chỉ tiêu tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm kết nối 8 tỉnh, thành phố

Sáng 16-5, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc tổ chức “Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố”. Đáng chú ý, có tới 9.238 chỉ tiêu tuyển dụng của 152 doanh nghiệp tại phiên này.

link bài gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2857528/neu-cao-vai-tro-cua-nguoi-ung-au-can-bo-phu-trach-trong-thuc-hien-cai-cach-hanh-chinh-xay-dung-chinh-quyen-ien-tu-va-chuyen-oi-so.html