Ngăn chặn dịch bệnh “vào mùa”

14/03/2024 15:40

Kinhte&Xahoi Những tuần gần đây, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm, như: Ho gà, thủy đậu, tay chân miệng… trên địa bàn Hà Nội có chiều hướng tăng. Nếu không kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, với điều kiện thời tiết như hiện nay, dự báo thời gian tới có thể ghi nhận thêm nhiều ca bệnh, ổ dịch.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa.

Mùa của bệnh truyền nhiễm

Trong những năm qua, ho gà vốn là bệnh hiếm bởi đã được bảo vệ bằng vắc xin thì nay có dấu hiệu quay trở lại. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 3 tuần liên tiếp (từ ngày 16-2 đến 8-3), trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 3-6 ca ho gà/tuần. Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã có 15 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh. Điều đáng nói, bệnh chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Đơn cử như trường hợp của bé trai 6 tuần tuổi (ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) khởi phát bệnh với các triệu chứng ho, sốt, thở khò khè… Sau hơn 10 ngày triệu chứng khởi phát, bệnh nhi có kết quả xét nghiệm dương tính với ho gà. Trường hợp này chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

Tương tự, bé gái 4 tháng tuổi (ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) cũng mới tiêm 1 mũi vắc xin “6 trong 1” (phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib). Bệnh nhi khởi phát bệnh với triệu chứng ho rũ rượi, nhiều đờm, sốt nhẹ và kết quả dương tính với ho gà.

Bác sĩ chuyên Khoa I Bùi Thu Phương (Khoa Nhi, Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi các triệu chứng, như: Ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ và tăng nặng sau 1-2 tuần. Cho đến nay, ho gà vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới dù tiêm chủng đã được phủ rộng. Chu kỳ dịch khoảng 2-5 năm, xảy ra lẻ tẻ ở tất cả các nước, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Các ca bệnh nặng và tử vong hay gặp ở trẻ độ tuổi bú mẹ.

Cùng với ho gà, theo CDC Hà Nội, tuần qua (từ ngày 1 đến 8-3), Hà Nội ghi nhận 32 trường hợp mắc thủy đậu (tăng 5 ca so với tuần trước), trong đó huyện Mê Linh là địa bàn có nhiều ca bệnh nhất với 15 ca, tiếp đến huyện Chương Mỹ có 8 ca. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố có 179 trường hợp mắc thủy đậu, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, theo quy luật, từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, ghi nhận số lượng người mắc bệnh tăng cao. Đây là khoảng thời gian cuối xuân đầu hè, độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát tán và lây lan.

Ngoài ho gà, thủy đậu, bệnh tay chân miệng cũng đang “vào mùa”. Theo CDC Hà Nội, tính từ đầu năm đến hết ngày 8-3, toàn thành phố có 151 ca mắc tay chân miệng rải rác tại 26/30 quận, huyện (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023). Hiện đã ghi nhận hai ổ dịch tại phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) và xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). Dự báo trong thời gian tới, số người mắc tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng.

Chăm sóc cho bệnh nhi mắc thủy đậu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Đào Hiền

Tăng cường giám sát tại bệnh viện và cộng đồng

Về bệnh ho gà, bác sĩ Nguyễn Trí Thức (Khoa A4B, Bệnh viện trung ương Quân đội 108) chia sẻ, đây không chỉ là bệnh nguy hiểm với trẻ nhỏ, mà khoảng 25% người lớn bị ho gà có các biến chứng như viêm phổi, tràn khí màng phổi, viêm tai giữa, tiểu tiện không kiểm soát, sụt cân, gãy xương sườn do các cơn ho liên tục kéo dài.

Đặc biệt, những người có bệnh lý nền như tim mạch, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính… có nguy cơ mắc cao hơn, kèm theo đó là các biến chứng nặng nề hơn. Điều đáng nói, bệnh ho gà có tốc độ lây lan cao hơn cả cúm, một người có thể lây cho 12-17 người.

Chung nỗi lo trước sự lây lan của dịch bệnh, bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) thông tin, bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp ngay từ thời kỳ ủ bệnh. Trong gia đình hoặc trong lớp học có người mắc bệnh thủy đậu thì nhiều người sẽ bị lây nhiễm. Người lớn mắc thủy đậu thì triệu chứng lâm sàng sẽ nặng hơn trẻ em và dễ có nguy cơ bị bội nhiễm.

Để ngăn chặn nguy cơ lây lan và bùng phát của dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, thời gian qua, CDC Hà Nội cùng trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đã chủ động triển khai các hoạt động chuyên môn. Cụ thể là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại 68 bệnh viện/cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô.

Cùng với đó, kết hợp với giám sát tại cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên y tế dân số và mạng lưới y tế trường học. CDC Hà Nội cũng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh; tổ chức khoanh vùng điều tra, xử lý kịp thời các khu vực có ca bệnh, ổ dịch.

“Với những bệnh có vắc xin phòng bệnh, phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Đối với những bệnh chưa có vắc xin, người dân cần thực hiện nếp sống vệ sinh phòng bệnh, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, che mũi, miệng khi hắt hơi... Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, như: Sốt, ho nhiều, ăn nôn trớ, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở…, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị”, ông Vũ Cao Cương khuyến cáo.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà:

 Chủ động từ sớm, từ xa

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó đề cập đến sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các biện pháp như: Truyền thông, chia sẻ thông tin, tổ chức triển khai các hoạt động chủ động phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát hỗ trợ hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.

Đặc biệt, các đơn vị phải bảo đảm đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh tại các tuyến. Cùng với đó, các bệnh viện chủ động tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo; bảo đảm tiêu chí bệnh viện an toàn, đặc biệt là tại các cơ sở có thu dung, điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đồng thời, thường xuyên cập nhật và tổ chức tập huấn về phác đồ điều trị các bệnh truyền nhiễm gây dịch cho cán bộ y tế các tuyến, đặc biệt là cán bộ y tế tuyến dưới, người tham gia trực hoặc được huy động tham gia điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn:

 Rà soát đối tượng tiêm chủng

Cùng với việc tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong thời gian qua, không để các ổ dịch bùng phát rộng, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo trạm y tế các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát đối tượng tiêm chủng; duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh nguy hiểm ở trẻ em, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng của các bệnh và tích cực tư vấn người dân cho con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Với các bệnh có vắc xin nhưng không trong chương trình tiêm chủng mở rộng, khuyến khích người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cũng cần tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh mùa đông - xuân; tăng cường truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng, bảo đảm người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi.

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam Trần Đắc Phu:

 Vệ sinh lớp học hằng ngày

Bệnh tay chân miệng do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột gây ra, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Riêng vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và tử vong.

Vi rút gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Tất cả những người chưa từng bị tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Thế nhưng, bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, hay gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn. Do đó, cần phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục để tổ chức khám, điều trị, xử lý kịp thời ổ dịch, tránh nguy cơ lây lan. Ngoài ra, tại các trường học, nhất là trường hợp mầm non, nhóm lớp gia đình cần thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường…

Xuân Lộc ghi 

Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vận hành thử lần cuối

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa thông tin kế hoạch vận hành đoạn trên cao thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Công tác vận hành chạy thử sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4-2024. Đây là bước cuối cùng trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trước khi đưa vào vận hành thương mại.

Dẻo thơm xôi Phú Thượng

Kế thừa truyền thống của cha ông, cùng bàn tay khéo léo cũng như cách thức riêng từ khâu chọn gạo, ngâm gạo, trộn nguyên liệu, điều chỉnh nhiệt độ khi nấu..., người dân phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đã gây dựng được thương hiệu riêng với các loại xôi thơm ngon: Xôi xéo, xôi chè, xôi ngũ sắc...

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/ngan-chan-dich-benh-vao-mua-660671.html