Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung về kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.
"Ngân hàng Nhà nước đánh giá lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát", báo cáo nêu rõ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường... ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
Mặc dù tình hình cấp tín dụng cũng như chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát ổn định.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Tuy nhiên, để hạn chế tác động của thị trường bất động sản đối với kinh tế vĩ mô, tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần có các giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ với sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan để lành mạnh hóa, xây dựng thị trường bất động sản an toàn, bền vững,
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung và dài hạn (từ 10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng.
Về giải pháp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán và bất động sản để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng, tập trung kiểm tra các hồ sơ cấp tín dụng lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng; Từ đó phát hiện các vấn đề, tồn tại, vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng để kịp thời xử lý vi phạm; Đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị cụ thể hạn chế rủi ro của các tổ chức tín dụng trong hoạt động cấp tín dụng nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng.
Trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản nhưng sẽ tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua, đầu tư nhà ở tự sử dụng, tiêu dùng; Đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.
Hậu Lộc - TTTĐ