Nghĩ về sự ra đi của người anh hùng trên trận tuyến chống Corona!
Kinhte&Xahoi
Ba lần anh hùng, đó là suy nghĩ của tôi về Bác sĩ Li Wenliang, một trong số những người đầu tiên phát hiện đại dịch Corona. Anh vừa qua đời bởi chính căn bệnh này khi mới 34 tuổi.
Lý do thứ nhất khiến tôi coi Bác sĩ Li là người anh hùng bởi ngày 30/12/2019, bác sĩ Li đã gửi tin nhắn với các bạn học cũ trong ngành y của mình trên ứng dụng WeChat để bày tỏ nghi vấn về việc kết quả xét nghiệm cho thấy 7 bệnh nhân từ một chợ hải sản địa phương nhập viện với các triệu chứng như hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS và đã bị cách ly.
Vượt qua sợ hãi và nỗi ám ảnh, đây chính là hồi chuông đầu tiên “vén bức màn bí mật”, công khai gióng lên để cảnh báo về đại dịch này.
Lý do thứ hai, tôi coi Bác sĩ Li là một người anh hùng bởi những gì anh đã phải gánh chịu sau tin nhắn trên.
“Tôi chỉ muốn nhắc nhở các bạn học đại học của tôi phải cẩn thận - Bác sĩ Li tâm sự - Khi tôi thấy đoạn tin nhắn lan truyền trên mạng, tôi biết mọi chuyện đã vượt tầm kiểm soát, tôi có thể bị trừng phạt”.
Đúng như lời tiên đoán của anh, không lâu sau, cảnh sát Vũ Hán đã tìm đến và anh bị cáo buộc “lan truyền tin đồn thất thiệt”.
Ngay đêm 30/12/2019, các quan chức y tế thành phố Vũ Hán triệu tập, yêu cầu được biết lý do anh chia sẻ thông tin.
Ngày 3/1, cảnh sát buộc anh ký biên bản. Bác sĩ Li bị cáo buộc "phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội" để từ đó, anh nơm nớp sống trong lo sợ…
Lý do thứ ba, không may cho vị bác sĩ trẻ này là khi điều trị cho một bệnh nhân nhiễm virus corona Vũ Hán, ngày 10/1, anh bắt đầu triệu chứng ho và sốt.
Ngày 12/1, Bác sĩ Li nhập viện. Vài ngày sau đó, tình trạng của Li trở nên tệ hơn buộc anh phải chuyển vào khoa điều trị tích cực và thở oxy. Ngày 1/2, anh phản ứng dương tính với nCoV.
Tối ngày 6/2 giờ địa phương, Bác sĩ Li vĩnh viễn ra đi, để lại vợ và đứa con thơ. Một số nguồn tin còn cho biết, vợ của bác sĩ này được cho là cũng bị nhiễm virus corona và đang mang thai, dự kiến sinh vào mùa hè năm nay.
Có lẽ cũng xin được một lần nữa nhắc lại cách đây 17 năm (2-2003), đại dịch SARS hoành hành tại nước ta. Bệnh viện Việt - Pháp được chọn làm trung tâm nghiên cứu và chữa trị. Một trong những bác sĩ hàng đầu trực tiếp khám và điều trị là Tiến sĩ Carlo Urbani.
Thật đau xót, trong quá trình cứu chữa, ông đã bị lây nhiễm căn bệnh này và đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11 giờ 45 trưa 29-3-2003.
Sau 45 ngày, ngoài 6 thầy thuốc, đại dịch SARS được khống chế mà không một dân thường nào tử vong.
Giờ đây, tại một góc nhỏ nơi Bệnh viện Việt - Pháp, ít ai biết về cái miếu nằm lặng lẽ thờ 6 y, bác sĩ trong và ngoài nước đã mất trong cuộc chiến này.
Rồi đây khi dịch Corona qua đi, không chỉ đất nước Trung Quốc, nơi chắc chắn có nhiều thiệt hại nhất cả về người và tài sản mà cộng đồng thế giới cũng sẽ hối tiếc bởi câu quen thuộc “giá như biết lắng nghe, giá như biết tôn trọng sự thật… giá như và giá như!”.
Song, thời gian không quay lại. Mọi sự ân hận đều trở thành muộn màng. Cơ hội không cho ta “giá như”…
Dịch bệnh thường không có hộ chiếu, khoa học không biên giới và lòng kính trọng không có quốc tịch.
Xin kính cẩn cúi đầu trước Bác sĩ Li và trước những thầy thuốc đã và đang quên mình vì sức khỏe và sinh mạng của toàn thể thế gian.
Riêng với Bác sĩ Li, cá nhân tôi xin một lần nữa nghiêng mình và chia sẻ với tất cả những gì anh đã làm và từng phải gánh chịu,