Sáng nay, 7/3, do lo ngại thái quá cũng như do một số tin đồn vô căn cứ trôi nổi trên mạng xã hội về việc Hà Nội xuất hiện ca dương tính với Covid-19 đầu tiên trên địa bàn Hà Nội, một số người dân đã đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm về tích trữ.
Các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều khẳng định hàng hóa dồi dào, không lo thiếu
Tuy vậy, phần lớn người dân vẫn rất bình tĩnh, tin tưởng vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của Hà Nội trong việc xử lý ca dương tính với Covid-19 đầu tiên trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Liên, thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội bày tỏ: “Đến chiều 7/3, Hà Nội mới xuất hiện 3 ca dương tính đầu tiên. Dù chính quyền cũng như các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhanh chóng mạnh mẽ, tổng thể các giải pháp nhưng vẫn khiến một bộ phận người dân lo ngại, đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm để tích trữ.
Tôi thấy việc làm này là không cần thiết. Ngay bản thân tôi và gia đình anh em, bạn bè của tôi cũng cảm thấy, thành phố Hà Nội đã xử lý những ca dương tính Covid-19 đầu tiên trên địa bàn rất tốt.
Lương thực, thực phẩm dồi dào không cần phải mua về tích trữ, những hành động bột phát theo đám đông như vậy chỉ khiến chúng ta trở thành “con tin” của một số người bán hàng bất lương, lợi dụng để tăng giá mà thôi. Tôi nghĩ người dân cần bình tĩnh lại”.
Cần làm rõ và xử lý nghiêm các cá nhân thông tin thất thiệt về dịch bệnh
Những ngày vừa qua, cá nhân tôi và nhiều bà con trong khu phố theo dõi rất sát sao thông tin, diễn biến về dịch bệnh Covid-19. Điều tôi bức xúc, lo lắng nhất là sự lan tỏa của những thông tin thất thiệt liên quan đến dịch bệnh này; và đáng sợ là nó đã và đang “chảy” trên “nền tảng” các trang mạng xã hội, nơi vốn “hội tụ” không ít những “quan điểm”, sự suy diễn thiếu căn cứ, bất lợi đối với thực tế tình hình của một sự việc, hiện tượng nào.
Thông tin thất thiệt chắc chắn ảnh hưởng, tác động lớn đến suy nghĩ, nhận thức của những người tiếp nhận mà không có điều kiện được kiểm chứng. Nó cứ thế lây lan, gây tác hại tiêu cực trong cộng đồng, xã hội.
Có những người loan tin...cho vui hoặc để được nổi tiếng; song có không ít những kẻ chống phá, lợi dụng sự phức tạp của tình hình dịch bệnh để gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Tôi mong muốn cùng với công tác phòng chống dịch bệnh, các cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ động cơ và xử lý nghiêm những kẻ đưa tin thất thiệt. Đây chính là biện pháp giúp cộng đồng phòng chống được “dịch bệnh” ngay trong tư tưởng, nhận thức của mình.
(Ông Nguyễn Đăng Hải, trú ở phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
|
Tương tự, chị Đặng Hoàng Ngân ở Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội cho hay: “Đêm 6/3 tôi cũng theo dõi rất sát thông tin ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn thành phố và cũng có nói mọi người trong gia đình cẩn thận hơn trong việc phòng dịch như tăng cường vệ sinh cá nhân, hạn chế đến nơi đông người.
Tuy vậy, tôi khá bất ngờ khi sáng 7/3, một số người rủ nhau đi mua thịt, mua gạo, mỳ tôm….về để tích trữ. Tôi có hỏi hai người hàng xóm tại sao phải làm như vậy thì chẳng ai giải thích được, chỉ bảo thấy mọi người mua thì mình cũng mua. Bản thân tôi chỉ mua thực phẩm đủ cho gia đình ăn trong ngày và không mua thêm bất kỳ đồ tích trữ gì vì nó không cần thiết”.
Thậm chí, theo chị Hoàng Ngân, chính hành vi đổ xô đến chợ, siêu thị để mua thực phẩm tích trữ đã vô tình đẩy bản thân vào tình trạng nguy hiểm, bởi việc này càng khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn.
Trong ngày 7/3, nhiều đại lý cũng như các doanh nghiệp khẳng định, hàng hóa tiêu dùng không hề thiếu.
Chị Nguyễn Thúy Hằng, một đại lý hàng tiêu dùng trên phố Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi chỉ bất ngờ trong khoảng vài tiếng buổi sáng 7/3 thôi vì không nghĩ mọi người lại đi mua nào là mỳ tôm, giấy vệ sinh… về tích trữ nên cũng không chuẩn bị kịp.
Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, tôi đã gọi điện cho các nhà cung cấp, họ trả lời sẵn sàng đáp ứng hàng hóa mà không giới hạn về số lượng. Mọi người không cần thiết phải làm như vậy, chỉ mua khi gia đình cần thôi”.
Còn chị Nguyễn Thu Hà, đại diện Công ty TNHH Hà Sinh, một doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn quận Hoàng Mai khẳng định, hàng hóa tiêu dùng mà công ty đang cung cấp cho nhiều đại lý lớn trên địa bàn Hà Nội không hề thiếu, thậm chí nếu muốn tăng số lượng lên 2-4 lần cũng có thể đáp ứng mà không tăng giá.
“Ngay trong sáng 7/3, tôi đã liên hệ với nhiều doanh nghiệp như công ty của tôi, tất cả đều khẳng định, lượng hàng hóa như mỳ tôm, nước mắm, giấy vệ sinh… đều rất dồi dào, không hề thiếu hụt. Các kho hàng lớn ở lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên… đều có thể đưa về Hà Nội trong vòng vài tiếng đồng hồ.
Tôi thấy người dân cứ theo tin đồn và rơi vào tình trạng tâm lý đám đông nên mới mua tích trữ như vậy”- chị Hà cho hay.
Những nỗi lo mơ hồ trước tin đồn thất thiệt đáng sợ không kém dịch bệnh
Từ tối 6-3, nhất là những gì chứng kiến xung quanh mình buổi sáng 7-3, trong suy nghĩ của tôi thường trực sự hoang mang. Nhưng, đó không đơn thuần là nỗi lo trước dịch bệnh Covid-19, mà bởi nhận thức và phản ứng “hốt hoảng”, “bản năng” của một bộ phận không nhỏ người dân.
Nhiều người nhắn tin qua điện thoại di động, qua Zalo, facebook, để hỏi, để chia sẻ, thậm chí để bày tỏ lo lắng về những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.
Và trong buổi sáng 7-3, là nháo nhào, cuống quýt, giục giã, thậm chí tranh giành nhau để mua những thùng mì tôm, những chai nước mắm, lọ dầu ăn...Vào một hiệu tạp hóa gần nhà, tôi đã nghe được tiếng văng tục, của ai đó, trong khi xếp hàng chờ đến lượt trả tiền.
Covid-19 là dịch bệnh đáng sợ. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng cá nhân tôi không quá hoang mang, khi được nghe, được thấy, được biết – qua các kênh thông tin chính thống, qua những gì mà chính quyền cơ sở những ngày qua đang làm – về chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố Hà Nội nói riêng. Hết sức bài bản. Hết sức thận trọng.
Tôi cho rằng nếu cứ thực hiện đúng những yêu cầu – nguyên tắc về y tế, an ninh; nếu mỗi người ý thức tốt trong việc nâng cao sức khỏe cũng như phòng ngừa dịch bệnh bằng đeo khẩu trang, rửa tay nhiều lần trong ngày, thì dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn, đẩy lùi và triệt tiêu.
(Ông Nguyễn Hữu Bính, trú ở khu tập thể Trần Hưng Đạo, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
|