Người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến ngày 16/8, có 29.910 công nhân, viên chức, người lao động (NLĐ) nhiễm Covid-19 (chiếm 11,44% tổng số ca nhiễm) trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố.
Cả nước có 29.910 công nhân, viên chức, người lao động (NLĐ) nhiễm Covid-19.
Trong đó, có 99.884 trường hợp là F1, có 220.344 trường hợp là F2 và 390.328 trường hợp nằm trong các khu vực phong tỏa/cách ly y tế.
Bên cạnh đó, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, có đến 1.300.304 NLĐ phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn HĐLĐ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã làm cho 10.335 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” với 930.306 lao động triển khai biện pháp “3 tại chỗ (ăn - ngủ - làm việc tại doanh nghiệp). Riêng 20 tỉnh phía Nam phải áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và 20 Công đoàn ngành là 10.071 doanh nghiệp với 905.315 người lao động.
Cùng với đó, có 1.013 doanh nghiệp với 84.034 lao động vừa cách ly/phong tỏa vừa sản xuất và 2.606 doanh nghiệp thành lập 11.673 Tổ an toàn Covid.
Mặt khác, có 1.066.511 đoàn viên, NLĐ của 7.941 đơn vị, doanh nghiệp đã được tiêm vắc-xin. Trong đó, có 437.433 người là NLĐ thuộc 921 doanh nghiệp trên cả nước.
Không chỉ vậy, sát cánh với người lao động, các cấp công đoàn đã tích cực, chủ động vào cuộc từ sớm, phối hợp cùng các cơ quan chức năng tuyên truyền, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Có 1.013 doanh nghiệp với 84.034 lao động vừa cách ly/phong tỏa vừa sản xuất và 2.606 doanh nghiệp thành lập 11.673 Tổ an toàn Covid.
Đồng thời, luôn song hành cùng Chính phủ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tham gia duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã sớm quyết định sử dụng tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ đoàn viên, người lao động; miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên có mức lương thấp, lùi đóng kinh phí với các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Theo đó, hàng vạn cán bộ công đoàn các cấp ngày đêm bám trụ cơ sở, theo sát chăm lo cho NLĐ ở các tâm dịch. Các cấp công đoàn đã hỗ trợ kịp thời hàng triệu phần quà, đồ dùng, nhu yếu phẩm cho đoàn viên, người lao động.
Hàng vạn suất ăn, các loại thực phẩm do cán bộ công đoàn tự tay chế biến được gửi trao tới đoàn viên, người lao động.
Tại các điểm dịch, cũng đã xuất hiện nhiều mô hình giúp đỡ đoàn viên, người lao động hiệu quả, như: Tổ an toàn Covid-19, Tổ cứu trợ khẩn cấp, Siêu thị 0 đồng, Xe buýt siêu thị 0 đồng, Bếp ăn yêu thương, Túi an sinh…vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho người lao động...
Cũng theo Tổng liên đoàn Lao động, mỗi cán bộ công đoàn chuyên trách đã đóng góp ba ngày lương để ủng hộ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng Covid-19.
Theo thống kê, công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, NLĐ từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền 1.222,689 tỷ đồng cho trên 1 triệu lượt đoàn viên, người lao động thụ hưởng.
Trong đó, chi ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng chống dịch là 494,984 tỷ đồng. Cụ thể, nộp về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 237,519 tỷ đồng và ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19: 257,464 tỷ đồng.
Công đoàn các cấp cũng đã chi từ nguồn xã hội hóa và người sử dụng lao động hỗ trợ qua tổ chức công đoàn tại cơ sở là 227,966 tỷ đồng.
Những chính sách của Tổng liên đoàn Lao động
Ngày 19/5/2021, Tổng liên đoàn Lao động đã ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19.
Trong đó tạo chủ động cho LĐLĐ các tỉnh, TP, Công đoàn ngành trung ương trong việc xác định đối tượng và mức chi cụ thể cho từng trường hợp từ nguồn tài Công đoàn tích luỹ tại chỗ, nên việc triển khai chính sách tới người lao động rất kịp thời.
Ngày 06/8/2021, Quyết định số 3022/QĐ-TLĐ được ban hành để sửa đổi bổ sung Quyết định 2606 để phù hợp với những diễn biến mới của công tác phòng chống dịch. Phương của quyết định là: đoàn viên, công nhân lao động và cán bộ công đoàn nơi tuyến đầu phòng chống dịch “không ai bị bỏ lại phía sau”, đồng lòng thực hiện mục tiêu “kép” của Chính phủ.
Đến ngày 11/8/2021, Tổng liên đoàn Lao động tiếp tục ban hành Quyết định 3040/QĐ-TLĐ. Đây là quyết định để chỉ đạo việc hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho đôi ngũ tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021.
Theo đó, hỗ trợ tiền ăn 1 triệu đồng/người cho lực lượng y tế đang chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam.
Trước đó 1 ngày (10/8), Công văn số 2475/TLĐ đã được ban hành về việc bổ sung đối tượng miễn đóng đoàn phí Công đoàn.
Theo đó, bổ sung đối tượng là đoàn viên công đoàn tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì không phải đóng đoàn phí công đoàn trong thời gian hưởng mức lương nêu trên.
Thời gian thực hiện miễn đóng đoàn phí công đoàn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 áp dụng từ 1/5 đến hết ngày 31/12/2021.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đồng ý để các Liên đoàn Lao động của TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An chi tổng cộng 61,5 tỷ đồng từ nguồn tài chính Công đoàn tích luỹ. Số tiền này được dùng để mua và cung cấp 410 nghìn suất hàng hoá, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động khó khăn tại các khu cách ly, phong toả..
Ảnh minh họa.
Kết quả thực hiện hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động
Đối với Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg, đây là chính sách hết sức quan trọng, kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và doanh nghiệp. Nghị quyết thể thiện sự quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố chủ động tuyên truyền, tham gia tổ chức, giám sát việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ này để người lao động được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất.
Tinh thần chỉ đạo là công đoàn các cấp phải chủ động vào cuộc ngay từ đầu để cùng doanh nghiệp lập danh sách, hồ sơ đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Theo số liệu báo cáo của 16 tỉnh, đã có 472.790 người lao động được hỗ trợ 650,9 tỷ đồng. Đồng thời, có 138.974 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào quỹ tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp số tiền là 873,9 tỷ đồng.
Gia Hải - Pháp luật Plus