Nha khoa Đại Dương bị phạt hơn 50 triệu do không đăng ký hành nghề

28/03/2023 10:08

Kinhte&Xahoi Sở Y tế Hà Nội vừa công bố danh sách xử phạt vi phạm hành chính (từ ngày 20/3/2023 đến ngày 24/3/2023) một số công ty, phòng khám đóng trên địa bàn.

Nha khoa Đại Dương bị xử phạt hành chính do không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. 

Đứng đầu trong danh sách vi phạm hành chính là Phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt trực thuộc Công ty TNHH Nha khoa Đại Dương (Nha khoa Đại Dương) địa chỉ tại số 200 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đã có hành vi vi phạm khi người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Bị phạt 53 triệu đồng và buộc tháo, dỡ nội dung quảng cáo.

Tiếp theo là Công ty TNHH Rich Pharma (LK20C-09 KĐT mới Văn Phú, đường Tô Hiệu, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) đã không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt phân phối theo quy định đã bị phạt 50 triệu đồng.

Công ty Rich Pharma bị phạt không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng Thực hành tốt phân phối thuốc .

Tại Công ty Cổ phần Holipharm (Quầy số 112, tầng 1, nhà 3 tầng, số 168 phố Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) bị phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng do không lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó là, Chi nhánh Công ty TNHH thực phẩm an toàn Tân Việt tại Hà Nội (Lô 7A Khu công nghiệp Nội Bài, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã vi phạm không có dụng cụ thu gom, chứa đựng chất thải, rác thải đảm bảo vệ sinh, áp mức phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng.

Tổng số tiền nộp phạt vi phạm hành chính của 04 đơn vị đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội là 126 triệu đồng.

Hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng Thực hành tốt phân phối thuốc của cơ sở phân phối được quy định tại khoản 7 Điều 9 Thông tư 03/2018/TT-BYT như sau:

a) Đơn đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng GDP theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này;

b) Tài liệu kỹ thuật cập nhật về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự của cơ sở phân phối (nếu có thay đổi);

c) Báo cáo tóm tắt về hoạt động phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc của cơ sở trong thời gian 03 năm gần nhất tính từ thời điểm đánh giá liền trước (không bao gồm các đợt đánh giá đột xuất, thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế, Sở Y tế) đến ngày đề nghị đánh giá định kỳ.

8. Trình tự đánh giá, quy trình đánh giá, phân loại kết quả đánh giá đáp ứng GDP thực hiện theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.

Đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc:

Tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư 09/2020/TT-BYT sửa đổi như quy định: Trường hợp cơ sở phân phối không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ theo thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đến hạn nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ, Sở Y tế ban hành văn bản yêu cầu cơ sở phân phối phải nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ.”

Khoản 5 Điều 9 Thông tư 09/2020/TT-BYT sửa đổi: Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày đến hạn nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ, nếu sau thời hạn này, cơ sở phân phối không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ, Sở Y tế tiến hành đánh giá đột xuất, thanh tra, kiểm tra việc duy trì đáp ứng GDP của cơ sở theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.”

Bổ sung khoản 7a vào Điều 9 Thông tư 09/2020/TT-BYT sửa đổi: Cơ sở phân phối nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng GDP kèm phí thẩm định theo quy định của Bộ Tài chính về phí thẩm định điều kiện, tiêu chuẩn phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến Sở Y tế.”

Xuân Thành - Ngọc Huy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/nha-khoa-dai-duong-bi-phat-hon-50-trieu-do-khong-dang-ky-hanh-nghe-d191745.html